Khoa học và Đời sống số 26-2024

Số 26 (4340) Thứ Năm (27/6/2024) 15 THÂM CUNG BÍ SỬ TRI THỨC NHÂN LOẠI QUIZZ TEST SỐ 26 Cực Đông của nước ta nằm ở tỉnh nào? A: Đà Nẵng B: Khánh Hòa C: Phú Yên Đáp án đúng Quizz test số trước: C: Sông Đồng Nai Sông Đồng Nai là sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM với chiều dài 586 km (364 dặm), lưu vực 38.600 km² (14.910 mi2). Sông Đồng Nai bắt nguồn từ từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, thượng nguồn Sông Đồng Nai mang tên Đắc Dung. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ. Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các chi lưu của nó có tên gọi sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi)... “Máy điều hòa” khổng lồ ở Kinh thành Huế QUỐC LÊ Toàn bộ diện tích mặt nước của Kinh thành Huế, từ sông lớn cho đến ao hồ nhỏ, cùng những mảng cây xanh, đã tạo nên “cỗ máy điều hòa” thiên nhiên, giúp điều hòa khí hậu của một vùng rộng lớn. Trong bố cục cảnh quan ở Kinh thành Huế, yếu tố nước - gồm, sông, hào, hồ, ao - là yếu tố rất quan trọng, được các công trình sư thời nhà Nguyễn quy hoạch rất hoàn chỉnh. Theo TS Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, những di tích cung đình triều Nguyễn đều được xây dựng kề cận sông, suối gắn liền hệ sông Hương. “Cỗ máy điều hòa” khổng lồ Sông Hương có thể được xem là xương sống, trục kiến trúc chính của Kinh thành Huế. Tất cả quy hoạch và xây dựng của đô thị Huế suốt mấy trăm năm đều dựa trên “trục nước” đặc biệt này. Không chỉ chảy qua mặt chính diện kinh thành, sông Hương còn là nguồn cấp nước cho hệ thống sông nhân tạo bao quanh ba mặt còn lại của kinh thành, gồm sông An Hoà ở phía Bắc, sông Kẻ Vạn ở phía Tây, sông Đông Ba ở phía Đông. Ba sông này kết hợp sông Hương ở phía Nam vừa tạo yếu tố phong thuỷ “Tứ thuỷ triều quy”, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ thành và tạo nên hệ thống cấp thoát nước, hệ thống giao thông đường thuỷ rất thuận lợi. Hệ thống hào nước nằm dọc theo bốn mặt Kinh thành và Hoàng thành - vòng thành bên trong Kinh thành - có vai trò chủ yếu là phòng thủ, cũng đóng góp một phần không nhỏ vào diện tích mặt nước của Kinh thành Huế. Bên trong kinh thành có sông Ngự Hà, vốn là dòng cũ của sông Kim Long, được cải tạo lại và đào dài thêm để dẫn nước xuyên qua kinh thành. Sông Ngự Hà đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông nước khu vực nội thành và cũng là tuyến giao thông trọng yếu tại những khu vực này. Cảnh quan hấp dẫn Kinh thành Huế cũng có rất nhiều ao hồ. Đó có thể là hồ tự nhiên hoặc những đoạn cũ của sông Kim Long, Bạch Yến còn lại sau khi xây dựng kinh thành. Ngoài ra, rất nhiều ao hồ nhỏ được đào trong khuôn viên cung điện. Những hồ này kết hợp cây cảnh và hòn non bộ hoặc nhà thủy tạ để tạo nên cảnh quan hấp dẫn. Toàn bộ diện tích mặt nước của kinh thành, từ sông lớn cho đến ao hồ nhỏ, cùng mảng cây xanh đã tạo nên “cỗ máy điều hòa” khổng lồ, giúp điều hòa khí hậu của một vùng rộng lớn. Tiếc rằng, đà phát triển của đô thị, sự lấn chiếm, san lấp trái phép của người dân làm cho diện tích ao hồ, cây canh trong Kinh thành Huế giảm nghiêm trọng từ nửa sau thế kỷ 20. Sau khi Cố đô Huế được công nhận là Di sản thế giới, cuộc chỉnh trang diện mạo Kinh thành Huế trên quy mô lớn đã được khởi động. Hy vọng rằng, đến một ngày, “cỗ máy điều hòa” của Kinh thành sẽ hồi sinh, trả lại không gian mát lành cho vùng đất lịch sử... Hồ Thái Dịch ở trước điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế. Sông Hương nhìn từ Nghênh Lương Đình, công trình đầu tiên của trục hoàng đạo Kinh thành Huế. Vì sao Alexander Đại đế không chinh phục La Mã? Alexander Đại đế đã chinh phục một đế chế rộng lớn, trải dài từ vùng Balkan đến Pakistan ngày nay. Nếu chuyển sự chú ý về phía Tây, nhà cầm quân này có thể chinh phục Rome, cũng như toàn bộ đế chế La Mã. Alexander Đại đế (356 trước Công nguyên - 323 trước Công nguyên) là quân vương, nhà cầm quân nổi tiếng lịch sử thế giới cổ đại. Thậm chí, ông được ca ngợi là một trong những vị tướng tài ba nhất lịch sử nhân loại, được người dân tôn sùng, kính trọng và ngưỡng mộ. Năm 336 trước Công nguyên, Alexander Đại đế trở thành Vua của vương quốc Macedonia sau khi vua cha bị sát hại. Dù lên ngôi khi còn trẻ (20 tuổi), Alexander Đại đế đã chứng minh cho thần dân thấy ông là vị vua tài ba. Ông thực hiện nhiều chiến dịch quân sự chinh phạt các vùng đất lân cận, giàu có và trù phú. Một trong những chiến tích huy hoàng nhất của Alexander Đại đế đó là chinh phục đế chế Ba Tư. Thừa thắng xông lên, ông hoàng này chỉ huy quân đội chinh phạt những vùng đất rộng lớn trải dài trên 3 châu lục Âu - Phi - Á với tổng diện tích lên đến 5 triệu km2. Alexander Đại đế sáng lập 70 thành phố và đặt theo tên mình. Những thành phố này nằm trên các tuyến đường thương mại quan trọng, qua đó giúp thương mại phát triển ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Theo các sử gia, nếu chuyển hướng sự chú ý sang phía Tây, Alexander Đại đế có thể chinh phục Rome và những thành bang khác của đế chế La Mã. Tuy nhiên, Alexander Đại đế đã không làm vậy. Nguyên do được cho là ông đột ngột qua đời khi 32 tuổi khi đang ở thời kỳ huy hoàng. Nếu ông sống lâu hơn, việc chinh phục đế chế La Mã hoàn toàn nằm trong tầm tay của ông hoàng Macedonia. Các nhà nghiên đã tìm được một số ghi chép về việc trước khi qua đời, Alexander Đại đế lên kế hoạch cho chiến dịch quân sự ở phương Tây, bao gồm chinh phục những vùng của Italy cùng địa điểm khác dọc Địa Trung Hải ngày nay. Nhà sử học La Mã Quintus Curtius Rufus, sống ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, từng viết: Alexander Đại đế đã lên kế hoạch đóng 700 tàu chiến để thực hiện cuộc chinh phạt tiếp theo. Nếu còn sống, Alexander Đại đế có thể nối dài chuỗi chiến thắng của mình, bao gồm chinh phục La Mã như đã làm với Ba Tư. Khi ấy, đế chế mà ông hoàng này cai trị có thể trải dài đến tận eo biển Gibraltar ngày nay. TÂM ANH (THEO LS)

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==