Số 31 (4345) Thứ Năm (1/8/2024) 3 CHUYỂN ĐỘNG 247 THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: Việt Nam - Ấn Độ hướng tới mục tiêu đạt 20 tỷ USD thương mại song phương Trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, trưa 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Theo Thủ tướng, lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi gây dựng, vun đắp. Trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới về chuỗi giá trị và tài nguyên chiến lược, an ninh kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học công nghệ… Thủ tướng nhấn mạnh, giữa hai nước có 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác với sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả, góp phần xây dựng quan hệ hai nước. Đó là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao, thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút, ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)… Khẳng định Việt Nam xem thành công của nhà đầu tư là thành công của mình, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại hiệu quả cao”, “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”. Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy, triển khai những biện pháp hiệu quả, nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Ấn Độ và sớm mở thêm đường bay thẳng giữa hai nước. Cùng đó, tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển (ODA), trong đó tập trung lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược Toàn diện không ngừng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng, góp phần đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đơm hoa, kết trái. TIỂU PHƯƠNG Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. Làm gì để Hà Nội hết cảnh “mưa lại ngập”? Lượng mưa lớn diễn ra trên diện rộng trong thời gian dài khiến mực nước tại các sông, hồ dâng cao, phát sinh hàng loạt điểm ngập úng tại quận Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông. Đáng chú ý, trên tuyến Đại lộ Thăng Long, các hầm chui bị ngập nặng từ đường vào nhà dân, nhấn chìm nhiều xe máy, việc đi lại khó khăn. Nhiều khu vực huyện Quốc Oai và Chương Mỹ vẫn là “ốc đảo” do nước ngập úng chưa rút. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, tình trạng ngập úng trên do lượng mưa quá lớn. Thứ hai, do hệ thống thoát nước mưa chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị này với trục thoát nước chính bên ngoài. Ngay hệ thống thoát nước trục chính bên ngoài các khu đô thị này cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, dẫn tới tình trạng mưa lớn là ngập sâu. “Để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực này, theo Luật Đất đai mới, trước hết, phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm, qua đó tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước, tránh ngập úng”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói. HIỂU LAM Khu vực Hà Nội thường xảy ra những cơn mưa lớn với lượng mưa vượt ngưỡng. Điển hình, mới đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chìm trong biển nước. Ảnh: Phong Linh. Bắc Kạn, Bắc Ninh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại tổ 4, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn. Nhiều tháng qua, người dân sinh sống dọc theo tuyến đường Kon Tum khu vực tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, sống trong cảnh lo lắng, bất an trước nguy cơ sạt lở. UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân trong khu vực; yêu cầu chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình của khu vực sạt lở, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân; giao UBND TP Bắc Kạn sử dụng tối đa nguồn kinh phí của địa phương tổ chức thực hiện xử lý bước đầu đảm nhằm bảo an toàn. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất phương án di dời tái định cư những hộ dân ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp không thể xử lý ổn định tại chỗ. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vừa ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sạt lở bờ sông đoạn K49+430 đến K49+750 và đoạn K49+800 đến K50+100 đê hữu Cầu, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đoạn từ K49+710 đến K49+840 đê hữu Cầu tại phường Vạn An, TP Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh giao UBND TP Bắc Ninh lập dự án “Di dân, tái định cư vùng sạt lở và tạo cảnh quan môi trường khu Vạn Phúc, phường Vạn An, TP Bắc Ninh” để triển khai thực hiện. Thời gian hoàn thành dự án xử lý xong trước 31/12/2024. UBND tỉnh yêu cầu TP Bắc Ninh và các ngành hữu quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố sạt lở, các vị trí chưa xảy ra sự cố, chủ động di dời người, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo toàn bộ khu vực trên tuyến đoạn từ K49+430 đến K49+750 và đoạn K49+800 đến K50+100. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để huy động xử lý ngay nếu có dấu hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư, đê điều, tổ chức cắm cọc tiêu, mốc quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt. B.P Thái Bình làm rõ bất thường về điểm thi vào lớp 10 Thái Bình vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những bất thường về điểm thi vào lớp 10 khi điểm phúc khảo của nhiều thí sinh có chênh lệch lớn. Đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Bình. Thời hạn thanh tra là 20 ngày, kể từ thời điểm công bố quyết định thanh tra. Đoàn Thanh tra gồm 11 người, do ông Phạm Công Dịch, Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Bình, làm trưởng đoàn. Hai cán bộ Công an tỉnh Thái Bình tham gia Đoàn thanh tra. Trước đó, nhiều thí sinh thi vào lớp 10 tại Thái Bình có điểm thi môn Ngữ văn, Toán được công bố ban đầu chỉ 2 - 4 điểm, sau khi phúc khảo tăng lên 8 - 9,5 điểm. Có trường hợp, thí sinh được 3,75 điểm môn Toán, kết quả phúc khảo lên thành 9,5 điểm (chênh lệch đến 5,75 điểm). Một số phụ huynh có con em dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại tỉnh Thái Bình năm học 2024 - 2025 có đơn tố cáo ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, cùng một số người liên quan công tác tuyển sinh lớp 10. Phụ huynh bày tỏ mong muốn ngành giáo dục tỉnh Thái Bình rà soát, đánh giá lại toàn bộ vụ việc để những học sinh có đủ năng lực không bị lỡ dở việc học tập, cũng như tương lai của các em. HẢI NINH
RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==