Số 31 (4345) Thứ Năm (1/8/2024) 10 CÔNG NGHỆ SỐ VUSTA góp ý xây dựng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) H.T “Thời gian tới, VUSTA sẽ phối hợp Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành để cùng VUSTA góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật rất quan trọng này”, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA - nói. Ngày 30/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA và ThS Nguyễn Quyết Chiến - Tổng thư ký VUSTA - chủ trì hội thảo. Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 tại Nghị quyết số 129/2024/ QH 15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội. Theo đó, dự án sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV (tháng 10/2024). Dự thảo Luật lần này kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện những quy định pháp luật về điện lực còn phù hợp thực tế; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định không còn đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực điện lực. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để phát triển ngành điện phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. TSKH Phan Xuân Dũng cho biết thêm, Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; trong đó phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của Nhà nước về điện lực và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hình thành và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; tạo điều kiện phát triển nguồn và lưới điện, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của Nhân dân và phát triển của kinh tế - xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật bám sát 6 chính sách, bao gồm 9 chương, 94 điều, nội dung chính là quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua, bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả, giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng, vận hành công trình thủy điện. Ông Chu Văn Tiến - Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng, Dự thảo Luật có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Ở Điều 5, Chương I, ông đề nghị bổ sung thêm đoạn dẫn trước khi vào Khoản 1: “Điện lực là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Chính sách phát triển điện lực bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây…”. Nếu Luật Điện lực khẳng định điện lực là cơ sở hạ tầng kỹ thuật như vậy, tất cả chủ trương, đường hướng, mục tiêu hoạt động có liên quan đều phải tương ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực. Ông Đào Minh Hải - Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - đề nghị giữ lại một điều về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực; rà soát tính cân bằng trong quy định áp dụng cho khách hàng sử dụng điện (khách hàng mua điện) với đối tượng áp dụng luật liên quan; đề nghị một số quy định khác để luật áp dụng thuận lợi. Theo TS Trần Thanh Liễn - Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm Hiệu quả - Dự thảo Luật còn thiếu tính liên kết của việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch điện giữa quy hoạch điện quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; thiếu quy định cơ chế ưu tiên/khuyến khích nhà máy điện nâng cao khả năng vận hành linh hoạt để đảm bảo khả năng vận hành hệ thống điện tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo: Quy định về tính linh hoạt cần được đưa vào Luật Điện lực để chủ đầu tư nhà máy điện có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số thuật ngữ về giá như: Giá bán lẻ điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phát điện, giá hợp đồng mua bán điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực. TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền Lý luận, Thư ký Hội đồng Khoa học Nghiệp vụ, Báo Nhân Dân, ý kiến: Bổ sung quy định liên quan bảo đảm quyền tự do thỏa thuận giá mua - bán điện trực tiếp của người mua - người bán trên thị trường cạnh tranh không cần nằm trong khung giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể cả có hay không có hoà mạng điện truyền tải của EVN; nhất là đối với nguồn điện tái tạo. Cần bổ sung quy định về nguyên tắc xác định và áp dụng giá điện 2 thành phần; giá điện giờ cao điểm, thấp điểm; giá điện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, bổ sung yêu cầu và giải pháp đảm bảo về ổn định giá điện (mức giá, thời gian tối thiểu), đảm bảo giá điện có tính thị trường minh bạch cao, có tăng, giảm, chứ không chỉ tăng một chiều và tăng theo đề nghị, giải trình của EVN; xem lại cách diễn đạt mơ hồ “được điều chỉnh ít nhất một lần trong thời gian 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất” ở khoản 2. Căn cứ điều chỉnh giá điện ở Điều 75. Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi cần được tiếp tục để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý Nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cần có quy định mới và nâng cấp quy định cũ liên quan kiểm toán, công khai chỉ tiêu kỹ thuật, chi phí hoạt động của ngành điện; cung cấp rộng rãi thông tin, khuyến khích phản biện khoa học, phản biện xã hội về cung - cầu, thuận lợi - khó khăn, kế hoạch, dự án phát triển trong ngành điện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường sự giám sát, kiểm tra chủ động của Nhà nước, tổ chức xã hội, báo chí, xử lý kịp thời, nghiêm khắc sai phạm của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào trong toàn bộ quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng trao đổi, đưa ra ý kiến như Luật Điện lực đề cập 4 chủ thể có liên quan hoạt đến ngành điện. Đó là chủ thể phát điện, chủ thể truyền tải điện, chủ thể phân phối điện và chủ thể sử dụng điện. Chủ thể phát điện, nhiều năm qua, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã có thêm nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia, nhưng tỷ trọng lớn nhất vẫn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. EVN cũng đang được giao là chủ thể duy nhất trong việc truyền tải, phân phối điện. Việc đưa điện sản xuất của doanh nghiệp ngoài EVN lên lưới điện quốc gia nhiều khi phụ thuộc ý chí của EVN. Việc không thể đấu nối năng lượng gió, năng lượng mặt trời của nhiều doanh nghiệp phát điện trong thời gian qua là ví dụ rất cụ thể. Để tránh tình trạng độc quyền ngành điện lực mà hệ luỵ là ngân sách Nhà nước phải cung cấp tài chính do tình trạng thường xuyên thua lỗ, đề nghị Ban soạn thảo và Tổ soạn thảo nghiên cứu bổ sung những điều nhằm tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hoá trong lĩnh vực điện lực, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường điện, giảm gánh nặng phải bù lỗ từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực điện lực như hiện nay. TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA - phát biểu tại hội thảo. Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội.
RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==