Khoa học và Đời sống số 30-2024

Số 30 (4344) Thứ Năm (25/7/2024) 14 TRI THỨC NHÂN LOẠI Vùng đất hai lần là kinh đô nước Việt THANH BÌNH Truyền thống lịch sử văn hóa được vun đắp suốt hàng nghìn năm qua chính là điều kiện thuận lợi để vùng đất Đông Anh (Hà Nội) tỏa sáng trong tương lai, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô. Nằm ở phía Bắc của thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, huyện Đông Anh là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024). Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân có đóng góp to lớn cho đất nước. Vùng đất bề dày lịch sử Trên phương diện lịch sử, nhắc đến vùng đất Đông Anh là nhắc tới Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được các nhà lập quốc chọn làm kinh đô nước Việt. Lần đầu tiên Cổ Loa trở thành kinh đô vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công nguyên. Sau chiến công vĩ đại đánh thắng 50 vạn quân xâm lược nhà Tần, An Dương Vương quyết định xây thành Cổ Loa làm kinh đô của nhà nước Âu Lạc. Tục truyền rằng, An Dương Vương xây thành nhiều lần đều đổ. Sau đó, thần Kim Quy hiện lên, bò quanh nhiều vòng dưới chân thành, An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân rùa vàng. Từ đó, thành không đổ nữa. Thời ấy, chưa có gạch nung nên thành Cổ Loa được xây bằng đất khai thác tại địa phương. Tòa thành có 9 vòng. Chu vi vòng ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km. Diện tích thành trung tâm lên tới 2 km vuông. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra lại dễ. Ít lâu sau khi thành Cổ Loa được xây dựng, Triệu Đà sang đánh Âu Lạc. Nhờ chuẩn bị quân sự tốt, An Dương Vương chống cự hiệu quả. Triệu Đà buộc phải dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình là Trọng Thủy và con gái An Dương Vương. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương Vương bỏ chạy và tự tử, kết thúc triều đại của mình. Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, gần 30 năm, nhưng thế chế này đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. An Dương Vương và nước Âu Lạc được các nhà sử học đánh giá là một bộ phận hữu cơ của cả vấn đề lớn thời kỳ lịch sử Hùng Vương - An Dương Vương, “thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước”, liên quan nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, diễn biến của lịch sử Việt Nam hơn 2.000 năm trước và cả tương lai của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa tiếp tục được chọn làm kinh đô sau khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Bằng chiến thắng vang dội này, dân tộc ta không những chấm dứt ách đô hộ hơn nghìn năm của Phương Bắc, mà còn tạo điều kiện tiến lên xây dựng quốc gia độc lập hoàn toàn. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương, thành lập vương quốc độc lập. Chọn kinh đô cũ của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt, Ngô Quyền tỏ ý nối tiếp truyền thống của các vua Hùng, An Dương Vương. Sử gia Lê Văn Hưu đời Trần nêu cao ý tưởng này của Ngô Quyền khi viết rằng, với Ngô Vương “chính thống của nước Việt ta đã nối lại được”. Tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Quyền bước đầu tổ chức một triều chính độc lập: “Đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương”. Triều đình của Ngô Vương tuy còn đơn sơ, được xây dựng theo thể chế của một vương triều hoàn toàn độc lập. Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa 6 năm, qua đời năm 944. Cổ Loa tiếp tục duy trì vị thế kinh đô khoảng 10 năm nữa thì xảy ra loạn 12 sứ quân. Trong khoảng thời gian đó, có l, triều Ngô chưa xây dựng được thêm nhiều ở Loa thành xưa. Khảo cổ học chỉ phát hiện những đoạn thành được sửa vào thời Ngô Quyền trên nền tảng thành cũ hoang phế của An Dương Vương. Với việc Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa, dù chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, vùng đất Hà Nội lại khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập. Di sản văn hóa nghìn năm Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, là khu vực mà người Việt cổ định cư từ hàng nghìn năm trước, vùng đất Đông Anh mang những nét đặc trưng văn hóa khó lẫn của nền văn minh sông Hồng. Huyện Đông Anh hiện còn bảo tồn trên 300 di tích lịch sử, tiêu biểu trong số đó là Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, nơi từng hai lần là kinh đô nước Việt. Những di tích đặc sắc khác có thể kể đến đình Ngọc Chi ở xã Vĩnh Ngọc, đình Đào Thục ở xã Thụy Lâm, đình Biểu Khê và đình Mạnh Tân ở xã Thụy Lâm, đình làng Quậy xã Liên Hà, đình làng Lại Đà ở xã Đông Hội - quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Gắn với các di tích này là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 98 lễ hội dân gian đặc sắc. Tiêu biểu trong số đó là hội đền An Dương Vương, hội rước Bát xã Loa Thành, hội rước vua giả đền Sái... Đồng hành cùng các lễ hội là nhiều trò chơi dân gian độc đáo như cướp cầu làng Viên Nội, kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, kén rể làng Đường Yên - Xuân Nộn... và những loại hình nghệ thuật truyền thống như rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo cổ Dục Tú. Trong đó, rối nước Đào Thục đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách bốn phương. Đông Anh cũng là nơi quy tụ nhiều làng nghề có tiếng của Hà Nội, như nghề trồng hoa ở xã Uy Nỗ, nghề làm tương ở thôn Dục Nội xã Việt Hùng, làm bún ở Mạch Tràng - Cổ Loa, trồng rau sạch ở xã Vân Nội, múa rối nước, mộc Đào Thục - Thụy Lâm, trồng quất, đào ở xã Tàm Xá, đậu phụ Võng La, nuôi chim cút Mạch Lũng - Đại Mạch cùng nhiều làng nghề mộc ở hai xã Liên Hà và Vân Hà. Trong nhiều thế kỷ, Đông Anh nổi tiếng là vùng đất khoa bảng, nơi có nhiều người đỗ đạt thứ hai trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội (sau Thường Tín) với 56 tiến sĩ được lưu danh. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều danh nhân có đóng góp to lớn cho đất nước trên nhiều lịch vực qua các thời kỳ lịch sử khác nhau như An Dương Vương - Vua lập nên nước Âu Lạc, Hoàng Giáp Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu, Thám Hoa Nguyễn Đăng Vinh, danh thần Nguyễn Thực, nhà khoa bảng Quách Đồng Dần, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Truyền thống lịch sử văn hóa được vun đắp trong suốt hàng nghìn năm qua chính là điều kiện thuận lợi để vùng đất Đông Anh tỏa sáng trong tương lai, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đình Cổ Loa tương truyền được dựng ở nơi Vua thượng triều tại kinh đô Cổ Loa nên còn có tên gọi là đình Ngự Triều Di Quy. Ảnh: Quốc Lê. Đền An Dương Vương ở di tích Cổ Loa. Ảnh: Quốc Lê. Giếng Ngọc ở khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Quốc Lê. Đền thờ tướng Cao Lỗ ở khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Quốc Lê. Khu lưu niệm Cây đa Bác Hồ ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==