Khoa học và Đời sống số 23-2024

Số 23 (4337) Thứ Năm (6/6/2024) 3 CHUYỂN ĐỘNG 247 THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: Sớm đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - New Zealand đạt mục tiêu 3 tỷ USD Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam - New Zealand tăng cường các biện pháp nhằm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 3 tỷ USD. Chiều 5/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters, nhân dịp thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - New Zealand lần thứ 2. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters thăm chính thức Việt Nam, đánh giá chuyến thăm là dịp để cụ thể hóa những thỏa thuận cấp cao, đặc biệt là kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường biện pháp nhằm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 3 tỷ USD, đồng thời đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; khẳng định Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp New Zealand tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực New Zealand có thế mạnh. Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh tăng cường và mở rộng hợp tác về truyền thống, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mới như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế số. Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao và đề nghị New Zealand tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand sinh sống, học tập và làm việc, qua đó đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và New Zealand, cũng như quan hệ hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters khẳng định, New Zealand coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand; bày tỏ mong muốn trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hiện có, hai bên sớm xây dựng khuôn khổ quan hệ mới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters cho biết, Bộ Ngoại giao New Zealand sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc thu xếp những chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian tới, cũng như tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2025). Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại diễn đàn đa phương; nhất trí phối hợp hiệu quả trong giai đoạn Việt Nam đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - New Zealand (7/2024 - 7/2027). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters nhấn mạnh, New Zealand coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, bày tỏ mong muốn sớm đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới. TIỂU PHƯƠNG Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. Vì sao chậm di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội thành Hà Nội? Theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, di dời cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô là một trong những giải pháp quan trọng được Hà Nội xác định để mở rộng không gian phát triển của Thủ đô giai đoạn tới. Chủ trương thực hiện việc này có từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm, không như kế hoạch đề ra. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho biết, việc di dời cơ sở, trụ sở này đã có trong quy hoạch năm 1998. Sau đó, quy hoạch năm 2011 cũng tái khẳng định. Vừa rồi, Bộ Xây dựng thống nhất xây dựng khu trụ sở Trung ương các cơ quan. Ngoài ra, sau năm 2011, Thủ tướng có chỉ đạo xác định lộ trình và đề xuất đến 2025 phải hoàn tất việc di dời cơ sở không phù hợp ra khỏi nội đô, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là kết quả của sự bất cập giữa các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai. Vì khi giao đất cho cơ quan bộ ngành quản lý, trong suốt thời kỳ giao 50 - 70 năm, họ toàn quyền quyết định về việc sử dụng đất. Ví dụ, Ủy ban Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trụ sở mới, nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì đó là quyền của họ. “Các trụ sở của bộ, ngành khác cũng thế. Vì vậy, nên có cơ chế đặc thù. Cần giao đất này cho Hà Nội và để thành phố có trách nhiệm xây dựng những khu vực, lựa chọn địa điểm thích hợp. Thẩm quyền của Hà Nội là được nhận đất chứ không phải đền bù”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói. Cũng theo chuyên gia này, phải có nguồn lực ngân sách từ Trung ương để quyết định, giúp các bộ, ngành xây dựng trụ sở mới khang trang hơn. Đặc biệt, Hà Nội nên có tầm nhìn rộng hơn, rút bài học kinh nghiệm Thủ đô của các nước như Malaysia hay Hàn Quốc. Xây dựng khu vực trụ sở mới phải gắn với các khu đô thị, nhà ở mới để tạo ưu tiên cho cán bộ, viên chức có nơi ở thuận tiện. “Muốn làm được việc này phải có sự phối hợp giữa Trung ương và Hà Nội, chứ không phải chuyện riêng của Hà Nội”, ông Nghiêm cho hay. THIÊN TUẤN Mới đây, Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển trường đại học, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô. KTS Đào Ngọc Nghiêm. Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không thuộc đối tượng kiểm toán Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, từ 9h ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn. Sai phạm trong đấu thầu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán... là những vấn đề được đại biểu quan tâm, chất vấn. Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) nêu vấn đề, thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải và giải pháp khắc phục thời gian tới. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với 12 nhóm đơn vị liên quan. Thời gian qua, một số vụ án lớn liên quan đấu thầu, cụ thể vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Tuy nhiên, đây là hai đơn vị không có vốn Nhà nước nên không thuộc đối tượng được kiểm toán. “Tôi khẳng định, 2 đơn vị này là doanh nghiệp, không có vốn Nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán. Xét về đơn vị có liên quan, họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu. Hoạt động kiểm toán của chúng tôi thực hiện ở đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Quá trình kiểm toán thực hiện cả 3 nội dung là đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính. Xác nhận việc tuân thủ pháp luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho hay, trong việc kiểm toán chấp hành pháp luật về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cung cấp thì kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính. Quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, trong đó, riêng về lựa chọn nhà thầu xét việc chấp hành gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Quá trình kiểm toán đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. MAI LOAN Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: QH.

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==