Khoa học và Đời sống số 23-2024

Số 23 (4337) Thứ Năm (6/6/2024) 2 CHUYỂN ĐỘNG 247 MƯA DÔNG, LỐC, SÉT, NGẬP LỤT: ỨNG PHÓ THẾ NÀO ĐỂ AN TOÀN? HẢI NINH thực hiện Theo thống kê của Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), sáng 5/6, mưa lớn xảy ra tại Hà Nội kèm hàng chục nghìn cú sét. Nhiều tuyến phố ngập lụt, dẫn đến ùn tắc. Mưa xuất hiện sau giai đoạn nắng nóng gây xung đột đối lưu, tạo ra hiện tượng dông, lốc, sấm sét. Chuyên gia khí tượng thủy văn Lưu Minh Hải, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên và TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - trao đổi với Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về nguyên nhân ngập úng, cũng như cách ứng phó để an toàn trong mưa dông, lốc, sét, ngập lụt. Mưa lớn, sấm sét, ngập lụt…ở Hà Nội, vì sao? O Thông tin sáng 5/6, Hà Nội xảy ra mưa lớn kèm theo hàng nghìn cú sét khiến người dân lo lắng, nguyên nhân của hiện tượng này như thế nào? Chuyên gia Lưu Minh Hải: Nguyên nhân mưa lớn ở Hà Nội là rãnh áp thấp đi qua miền Bắc, bị nén yếu bởi không khí lạnh trái mùa, hình thành những ổ mây dông, gây nhiều sét. Về thông tin hiện tượng sét dày đặc ở Hà Nội và một số địa phương lân cận, do không được giải thích đầy đủ, người dân thấy lo lắng. Thực tế, mưa lớn, dông lốc, sấm sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển. Đây là sự phóng điện trong nội bộ đám mây mang điện tích trái dấu, giữa 2 đám mây mang điện tích trái dấu hoặc giữa đám mây có điện tích trái dấu gần nhau, giữa đám mây với mặt đất… Các trận sét có thể là sự phóng điện giữa những đám mây với nhau, gọi là phóng điện trên khí quyển, biểu hiện là tia chớp hoặc sấm (sau khi tia lửa điện phóng ra gây ra sự giãn nở đột ngột không khí gây tiếng nổ). Vì vậy, có thể xuất hiện hàng trăm cú sét trong thời gian ngắn. Số liệu thống kê về hàng nghìn cú sét thực ra do mạng lưới máy móc quan trắc ghi nhận. Không phải hơn 7.000 cú sét dội xuống Hà Nội sáng 5/6 đều có cường độ lớn, mà là các cường độ khác nhau. Thậm chí, có những cú sét cường độ nhỏ, máy móc quan trắc vẫn ghi nhận. Nếu hàng nghìn cú sét đánh xuống đất sẽ gây thiệt hại lớn. Do đó, cơ quan cung cấp số liệu, thông tin cần giải thích rõ, tránh để người dân hoang mang. O Hà Nội cứ mưa lớn là ngập, theo các chuyên gia, vì sao chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề này? PGS.TS Đào Trọng Tứ: Sáng 5/6, mưa lớn xuất hiện nhiều nơi ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Trong đó, những khu vực của Hà Nội ghi nhận lượng mưa rất lớn như Hoàng Mai (khoảng 110 mm), Nam Từ Liêm (100,3 mm), Cầu Giấy (70,3 mm), Thanh Xuân (67,3 mm). Tình trạng ngập lụt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề đô thị hóa, quy hoạch, hệ thống hạ tầng không hoàn chỉnh. Hà Nội đưa ra không ít giải pháp nhưng đến nay chưa thực hiện được hoặc mới chỉ một phần. TS Nguyễn Xuân Thủy: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt các tuyến phố ở Hà Nội khi mưa lớn là công ty cấp thoát nước làm việc chưa tốt. Tôi quan sát nhiều lần, thấy các cống tắc, rác rưởi đầy và người ta không làm việc hết trách nhiệm để thanh thải. Không chỉ trận mưa lớn sáng 5/6 mà mưa bình thường cũng có tình trạng úng, lụt. Do đó, thứ nhất phải nói về ý thức trách nhiệm, năng lực hoạt động của công ty cấp thoát nước. Thứ hai, việc điều hành của Hà Nội chưa tốt, thiếu giám sát, kiểm tra, xử lý. Đó là quản lý hoạt động chung của thành phố. Vì vậy, một trong những vấn đề chống ngập úng, ùn tắc là phải thoát nước để chống lụt. Chuyên gia Bùi Danh Liên: Thời gian qua, Hà Nội nỗ lực đưa ra giải pháp chống ngập nhưng chưa đạt yêu cầu. Thành phố cần có đầu tư chiều sâu hơn nữa để khắc phục. Về lâu dài, Hà Nội cân nhắc tăng cường làm đường sắt trên cao, xe buýt nhanh. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước giao thông và phát triển các loại phương tiện mang tiện ích cao hơn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… Làm sao để an toàn khi mưa dông, sấm sét và ngập lụt? O Nhiều người quan tâm cách ứng phó thế nào trước hiện tượng mưa lớn kèm sấm sét, ngập lụt? Chuyên gia Lưu Minh Hải: Người dân không nên quá hoang mang mà phải hiểu bản chất của sét và các quy tắc, kỹ năng tránh sét để giữ an toàn cho bản thân. Khi mưa lớn, sét thường đánh vào khu nhà cao tầng, cây to, đường dây tải điện lớn có từ trường, trạm biến áp… hoặc vùng khoáng sản ở miền núi. Vì thế, người đang ở ngoài đường, ngoài đồng cần nhanh chóng dừng xe, tìm nơi trú ẩn an toàn, nơi có hệ thống thu sét. Phải lưu ý nhà kho, nhà chờ xe buýt và công trình không có bộ phận chống sét dễ bị sét đánh. Sét thường tìm đến mục tiêu ở khoảng cách ngắn. Do đó, nếu gặp sấm sét khi đang ở một khu rừng, người dân hãy tìm vị trí thấp dưới những cây nhỏ để trú ẩn, tránh đứng cạnh cây cao. Nếu đang ở khoảng đất trống, hãy tìm đến vị trí thấp, như thung lũng hoặc khe núi. Còn ở trên thuyền thì tiến vào bờ càng nhanh càng tốt. Người đang làm ngoài đồng nên tìm nơi trú ẩn. Không nên tập trung đông người hoặc không đứng nơi vắng vẻ. Không sử dụng điện thoại ngoài đồng... Ở khu đô thị, người dân cần ngắt nguồn điện thiết bị điện tử như tivi, máy tính và những nguồn điện khác; hạn chế sử dụng điện thoại khi có dông sét; không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào, các dây điện hay cáp điện thoại. Tránh xa những chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước… TS Nguyễn Xuân Thủy: Phương tiện lưu thông gặp mưa lớn, ngập lụt có khả năng bị hư hỏng, nên cần đánh giá tình hình cẩn thận khi di chuyển. Quá trình qua đường ngập nước, tài xế nên tắt điều hòa, đi bằng số thấp, giữ đều ga, không tăng hoặc giảm ga đột ngột. Đồng thời, tránh chạy cạnh xe lớn, hoặc gần xe ngược chiều, vì các xe này có thể tạo sóng, nước tràn vào khoang máy. Trước tình trạng đường phố ngập lụt, khi cấp thoát nước chưa tốt, Hà Nội phải áp dụng giao thông thông minh, kết nối với lái xe để thông báo nơi nào đang ngập hay có thể đi. Họ sẽ chọn tuyến đường ít ngập, thông thoáng để lưu thông. Bên cạnh đó, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông điều hành trên những tuyến phố bị ngập lụt. Cơ quan cấp thoát nước rút kinh nghiệm vì sao tuyến đường này hay ngập, đã thanh thải chưa để đề xuất giải pháp. O Xin cảm ơn các chuyên gia. Hà Nội mưa lớn kèm nhiều cú sét, ngập lụt, ùn tắc Theo thống kê của Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính từ 6h ngày 5/6, hàng nghìn cú sét đánh xuống khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận Hưng Yên, Hà Nam. Mưa to đến rất to bao trùm nhiều nơi. Cụ thể, từ 6h - 7h, có 3.513 cú sét; từ 7h - 8h có 4.060 cú sét; từ 8h - 9h có 2.642 cú sét. Như vậy, từ 6h đến 9h ngày 5/6, tổng cộng 10.215 cú sét đánh xuống Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đáng chú ý, từ 7h40 đến 7h50, có 830 cú sét đánh từ mây xuống khu vực Hà Nội và vùng lân cận. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, số liệu về sét chưa hoàn toàn chính xác. Cơ quan khí tượng sẽ có thông tin chi tiết sau. Chuyên gia khí tượng thủy văn Lưu Minh Hải. PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam. Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên. TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị.

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==