Khoa học và Đời sống số 19-2024

Số 19 (4333) Thứ Năm (9/5/2024) 16 CHUYỆN ĐỜI Tay ngang giữ “lửa” nghề xiếc MAI LOAN Từ một cô giáo dạy nhạc, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã bén duyên, đam mê và nỗ lực “giữ lửa” với nghề xiếc. Điều trăn trở nhất của chị Hiền là làm sao vượt qua trở ngại, cố gắng giữ được nghề xiếc chuyên nghiệp giữa Thủ đô. Điều ngạc nhiên, chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó đoàn diễn viên 3 của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội vốn không phải là người theo đuổi bộ môn nghệ thuật này từ đầu, mà là “tay ngang” chuyển sang. “Tay ngang” sang xiếc Chia sẻ về cơ duyên đến với xiếc, chị Hiền cho biết, chị vốn là một cô giáo dạy nhạc ở Trường Tiểu học. Năm 2011, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh, trở thành cô giáo. Cứ nghĩ cả đời sẽ gắn bó dài lâu với nghề này, nhưng do yêu nghề ca sĩ, nên năm 2011, chị xin chuyển sang chuyển sang làm ca sĩ và hoạt động tại Trung tâm văn hóa TP Bắc Ninh. Rồi như một cơ duyên, năm 2016, chị xin chuyển công tác sang Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội với những khó khăn chất chồng. Bởi một người am hiểu về xiếc làm về xiếc đã khó, còn chị lại từ một “tay ngang” chuyển sang. “Tôi chưa bao giờ đi xem xiếc. Đó là lần đầu tiên tôi tới Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội. Thời điểm đó, nghề xiếc với tôi giống như tờ giấy trắng. Đặc biệt, tôi lại làm quản lý về xiếc, một bộ môn nghệ thuật hết sức đặc thù, thực sự là một thử thách quá lớn”, chị Thu Hiền tâm sự. Để vượt qua khó khăn đó, chị Hiền đã nỗ lực rất nhiều. Chị tự mày mò, tìm sách, tài liệu để học. May mắn, chị được những người anh, người chị đi trước tận tình chỉ bảo, động viên, truyền lại tất cả những kinh nghiệm, kiến thức mà họ đã tích lũy được sau bao năm tháng làm nghề. Thế rồi, dần dần chị đã có cảm xúc với môn nghệ thuật nhiều khó khăn này. Yêu nghề, yêu những “người dũng cảm” Môn nghệ thuật nào cũng vất vả riêng, thế nhưng, về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội, chị Thu Hiền mới thấy những người theo đuổi nghề này quá vất vả, nguy hiểm. Bới đó là nghề liên quan cả đến tính mạng. Chỉ cần một động tác không chuẩn, không chính xác, hay một sơ suất nhỏ khi biểu diễn là có thể phải đánh đổi bằng cả sinh mạng. Đặc biệt, đây là nghề liên quan chặt chẽ tới đạo cụ. Ví dụ, với tiết mục đế kiếm, nếu không làm chính xác, cái kiếm sẽ rơi xuống đầu người biểu diễn. Hoặc những người đu ở trên cao, hoàn toàn không có dây bảo hiểm. Mới đầu, khi về đoàn xiếc, chị bị “choáng” vì sợ. Để có được sự an toàn, ngoài yếu tố nghệ thuật còn kết hợp cả với sự tính toán chính xác liên quan đến toán học. Là một quản lý của đoàn, chị Thu Hiền phải học hỏi, tìm tòi để đồng hành, đảm bảo an toàn cho các diễn viên một cách tối đa, đây cũng là một khó khăn mà chị phải vượt qua. Ngoài ra, các diễn viên trong đoàn xiếc rất trẻ, các em chỉ ở lứa tuổi 2K, chỉ bằng tuổi con chị, lại rất cá tính,. Cho nên, trong ứng xử cũng như dạy các em phải lựa, và coi các em như con mình. Chị Hiền như một người chị, người mẹ với các em. Ngoài vai trò là nhà quản lý, hướng dẫn các em về chuyên môn, chị Hiền luôn động viên, làm “công tác tư tưởng” để các em yên tâm theo nghề, rồi hướng dẫn cho các em từ cách ăn, cách ở. Có những lúc khó khăn quá lớn, chị có cảm giác không thể vượt qua. Bởi nhiều cái các em không phục, hay bởi chị Hiền không phải đi lên từ xiếc... Để các em nghe, chị đã phải cố gắng trau dồi, học hỏi rất nhiều và góp ý, dạy các em dần dần, từ những buổi lên lớp, hoặc tập cùng các em. Dần dần mọi thứ cũng đi vào guồng. “Giờ thì tôi cảm thấy rất yêu nghề và yêu các em vô cùng, vì các em đã vượt qua được những khó khăn lớn, thực sự là những người dũng cảm”, chị Hiền tâm sự. Trăn trở giữ lửa nghề Gắn bó với nhà hát 8 năm, chị Hiền cùng các đồng nghiệp đi qua bao niềm vui, hạnh phúc. Nhưng cùng với đó cũng là nỗi trăn trở. Là phụ trách đoàn, điều chị Hiền đau đáu bây giờ là nhà hát đang lâm vào tình trạng rất khó khăn. Về cơ sở vật chất, không có sàn tập, không có sân khấu biểu diễn. Đây là điều khiến kinh tế lại càng thêm eo hẹp, bởi không có sàn tập thì các em lại phải đi thuê. Rồi khi biểu diễn, lại phải thuê sân khấu. Một trăn trở nữa, đó là khi vào nhà hát, về tâm lý, các em rất muốn được vào viên chức. Nhưng hiện tại, theo đúng như quy định của Chính phủ, toàn bộ các chế độ, tiền lương của các diễn viên hợp đồng đều do Nhà hát trả. Cũng không có hợp đồng dài hạn mà chỉ hợp đồng một tháng. “Thế là cứ đầu tháng, mùng 1 nào, phòng hành chính cũng gọi các con lên ký hợp đồng. Một năm có 12 tháng thì 12 lần ký hợp đồng. Đây là một hạn chế, cản trở rất lớn. Nếu Ban giám đốc cũng như các lãnh đạo trong cơ quan không khéo sẽ không giữ được diễn viên. Mà làm nghệ thuật, không có diễn viên thì làm sao được, nhất lại là xiếc”, chị Hiền tâm tư. Điều trăn trở nhất của chị Hiền và Ban giám đốc Nhà hát là làm sao để duy trì, còn hoạt động được, các em được đi diễn, được có kinh phí ngoài lương, cố gắng làm sao giữ được một nghề xiếc với sự chuyên nghiệp giữa Thủ đô. Box: Chị Hiền chia sẻ, mỗi lần bước chân lên sân khấu chị luôn tâm niệm là phải hát hết mình, đưa khán giả đi theo cảm xúc của tác phẩm mình thể hiện (chị cũng từng nhiều lần nói với các diễn viên trẻ về điều này). Kể cả có một khán giả ngồi xem mình vẫn phải diễn hết mình. Chắc chắn khi đó sẽ chạm đến trái tim và lưu giữ được hình ảnh dài lâu trong lòng khán giả. Đối với nghề ca sĩ, một điều khiến chị cũng rất hạnh phúc, đó là chị đã thực hiện được nhiều buổi biểu diễn từ thiện - các sân khấu diễn cho các Trung tâm điều dưỡng người có công của TP Hà Nội, các chương trình cho các cháu mồ côi nhiễm chất độc màu da cam... Với chị, đó là thành tựu. Hiện tại, chị đang tập trung cao độ cho các bạn diễn viên chuẩn bị đi thi Liên Hoan Xiếc toàn quốc tổ chức vào trung tuần tháng 8/2024. Chị cũng đang chuẩn bị làm MV cho cá nhân mình với nội dung các ca khúc dân ca viết về tình mẫu tử, công ơn sinh thành, như một sự tri ân với cha mẹ và những khán giả đã luôn ủng hộ, yêu mến chịn Một tiết mục của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó đoàn diễn viên 3 của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội Là một quản lý của đoàn, chị Thu Hiền phải học hỏi, tìm tòi để đồng hành, đảm bảo an toàn cho các diễn viên một cách tối đa

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==