Số 1 (4367) Thứ Năm (2/1/2025) 17 BẠN ĐỌC ALO CHUYÊN GIA Mẹ bị tiểu đường thai kỳ nên sinh con vào thời điểm nào? HỎI: Em bị đái tháo đường thai kỳ nên rất lo lắng không biết nên sinh con vào thời điểm nào và bằng cách nào để an toàn cho cả mẹ và con? Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) Trả lời: Các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ thường rất lo lắng về việc khi nào nên sinh, và nên sinh thường hay sinh mổ. Lý do là vì tăng đường huyết ở mẹ và thai to (≥4000 g) có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong chu sinh cũng như các biến chứng nghiêm trọng bao gồm trật khớp vai, chấn thương khi sinh và bại não. Tuy nhiên, cho đến nay không có nghiên cứu nào cung cấp được các bằng chứng mạnh mẽ làm cơ sở cho hướng dẫn quyết định thời điểm gây chuyển dạ hoặc sinh mổ theo kế hoạch, và các khuyến nghị chủ yếu vẫn mang tính kinh nghiệm. Khuyến nghị sinh mổ theo Hướng dẫn của Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế (FIGO) năm 2015 là khi thai to ≥ 4000g, còn hướng dẫn của Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) năm 2018 nếu thai ≥4500g. Tùy thuộc vào tiền sử sản khoa và vóc dáng của mẹ, hướng dẫn của Tổ chức đại diện người lao động (DSOG) năm 2024 khuyến nghị cho đẻ chủ động nếu ước tính thai ≥4000g và sinh mổ nếu thai ≥4500 g. Các sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ, kiểm soát được đường huyết bằng thay đổi lối sống, không cần tiêm insulin thì các khuyến cáo gây chuyển dạ ở tuần thai từ 39 đến 40+6 ngày (theo ACOG - 2018), 40 tuần (theo SOGC - 2019), 40 đến 41 tuần (theo FIGO (Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế) - 2015), hoặc trước 41 tuần (theo NICE (Viện Y tế & Chất lượng điều trị Quốc gia Anh - NICE ) - 2020, và DSOG - 2024). Với những sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ và phải điều trị bằng insulin thì các khuyến cáo gây chuyển dạ cho đẻ chủ động ở tuần thai 39 tuần (theo SOGC (Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe sinh sản) - 2019), 39 đến 39 tuần +6 ngày (theo ACOG - 2018) và ở tuần thai 40 (theo DSOG - 2024). Tuy nhiên các Hiệp hội đều đồng thuận là không nên để sinh mổ trước tuần thai 37, trừ những trường hợp có biến chứng (ví dụ, kiểm soát đường huyết kém, tăng huyết áp, đa ối, thai to hay thai nhi so với tuổi thai), thì thời điểm sinh nên được đẩy sớm hơn. TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) THÔNG TIN DOANH NGHIỆP Mức chi điều dưỡng cho người có công từ 1/1/2025 HỎI: Xin Khoa học và Đời sống cho biết về quy định mới tăng mức chi điều dưỡng cho người có công với cách mạng từ 1/1/2025 cụ thể như thế nào? Mức chi này có giống nhau ở các tỉnh thành? Đỗ Văn Mạnh (Bắc Giang) Trả lời: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ. Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng; tức tăng 35,7%. Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng quy định, kể từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần. Nội dung chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung gồm có: tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan và các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung). Như vậy, từ ngày 1/1/2025, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà cho người có công bằng 0,9 lần mức chuẩn/ người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng; tương ứng với 0,9 x 2.789.000 đồng = 2.510.100 đồng. Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công = 1,8 x 2.789.000 đồng = 5.020.200 đồng. Trước đó, lý giải đề xuất thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung từ 1/1/2025, thay vì từ 1/7/2024, Bộ LĐTBXH cho biết, do quy định hiện hành danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở LĐTBXH quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể. Cùng với đó, việc triển khai chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau. Nếu quy định thời gian hưởng chế độ điều dưỡng từ 1/7 thì chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo hai mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng; 6 tháng cuối năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,789 triệu đồng. Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi thì thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng phải thực hiện từ đầu năm 2025. Bà Nguyễn Thị Ngọc (Cán bộ Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Những trải nghiệm đón Tết Dương lịch không nên bỏ lỡ tại Tây Ninh Chỉ cách TP HCM 2 giờ chạy xe, Tây Ninh là điểm đến hấp dẫn bậc nhất tại Nam bộ trong dịp Tết Dương lịch năm nay, với màn bắn pháo hoa rực rỡ và phiên chợ lá “độc lạ” tại núi Bà Đen. Countdown và bắn pháo hoa hoành tráng Vào tối 31/12/2024, chương trình nghệ thuật Chào 2025 hoành tráng với màn đếm ngược và bắn pháo hoa mãn nhãn sẽ được tổ chức tại quảng trường ga đi cáp treo núi Bà Đen. Dự kiến, chương trình sẽ đón hàng nghìn người dân và du khách đổ về, hoà vào không khí đón chào năm mới đầy hào hứng tại ngọn núi cao nhất Nam bộ. Chị Trần Thị Thảo (Vĩnh Long) cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi đã vô cùng hào hứng khi được hoà vào dòng người xem pháo hoa và đón Tết Dương lịch tại đây. Cảm giác đếm ngược, đón năm mới ngay tại ngọn núi thiêng Bà Đen là một trải nghiệm rất khác biệt so với những nơi khác, vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa”. Chương trình nghệ thuật Chào 2025 năm nay không chỉ có những màn biểu diễn vui nhộn đậm sắc xuân, mà còn có sự xuất hiện của Á hậu Siêu Toàn cầu Quốc tế 2024 người Ấn Độ Sangeeta Rani, Hoa hậu Hoàn vũ Lào Soliya Bounsayngam, cùng dàn người mẫu trong màn trình diễn thời trang áo dài độc đáo. Cùng với màn pháo hoa mãn nhãn, chương trình nghệ thuật sẽ là lời chào đón năm mới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc dành cho nhân dân và du khách. Đi chợ bằng lá trên núi Bà Đen Là một “đặc sản” của tỉnh Tây Ninh, chợ lá từ lâu đã có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách bởi cách thức mua bán độc lạ: mua hàng bằng lá. Chỉ bằng chiếc lá trên tay, bạn có thể mua được các món ăn dân gian đậm hương vị quê hương tại phiên chợ thú vị này. Để mang đến một không khí đón xuân vui nhộn, chợ lá Bà Đen sẽ được tổ chức từ 16h - 18h30 ngày 31/12/2024, với rất nhiều món ăn dân gian hấp dẫn như bánh ít, bánh cuốn, bánh tráng, bánh ú, bánh xu xê, bánh bột lọc, bánh bò, bánh da lợn, sắn hấp dừa, chè, xôi… Mỗi du khách khi đi qua cổng soát vé cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen sẽ được phát một chiếc lá bồ đề để mua đồ ăn và thức uống tuỳ chọn đi kèm. Bà Đào Thị Việt, Phó Giám đốc Sun World Ba Den Mountain cho biết: “Với việc tổ chức chợ lá Bà Đen trong những giờ khắc cuối cùng của năm cũ, chúng tôi hi vọng du khách sẽ đón một mùa xuân ấm no, đủ đầy, một năm mới thật nhiều niềm vui”. Ngắm thiên đường hoa và xem triển lãm đèn đăng Những ngày cuối cùng của năm cũ, núi Bà Đen xứng danh là “thiên đường hoa” với hàng trăm loài hoa và hàng vạn gốc hoa đang đua nở ẩn hiện trong mây. Những loài hoa trổ bông rực rỡ nhất trên đỉnh núi dịp này là hoa hồng ngoại với đủ các màu đỏ, vàng, hồng, cam..., hoa duyên cúc, cúc họa mi, hoa ngọc thảo, hoa phong lan, cẩm tú cầu, thu hải đường, hoa xác pháo đỏ, hoa lồng đèn… Chị Nguyễn Ánh Hoa (TP.HCM) chia sẻ: “Lên núi Bà Đen tôi có cảm giác như đang ở Đà Lạt vậy. Không chỉ có khí hậu mát lạnh, hoa ở đây nở rất to, đẹp, màu sắc cũng rất đậm, sắc nét. Ở bất cứ góc nào trên đỉnh núi Bà Đen cũng có thể check-in với hoa. Tôi cũng rất mong đến tết Âm lịch để quay trở lại núi Bà ngắm hoa tulip, giống như là mình đi lạc ở xứ sở Hà Lan ấy, rất thú vị”. Đến núi Bà Đen dịp này, du khách còn cảm nhận không khí Tết truyền thống độc đáo trong không gian triển lãm đèn đăng nghệ thuật, với 1.200 ngọn đèn đăng được làm thủ công từ các bức tranh Đông Hồ, tranh vẽ tay và tranh in dân gian. Tại triển lãm, không khí tươi vui của năm mới được khắc hoạ trong từng ngọn đèn đăng với những họa tiết vẽ rực rỡ sắc màu gợi nhắc ký ức về tuổi thơ như cá chép, các điệu múa lân sư rồng, hay các biểu tượng quen thuộc của văn hóa Nhật Bản như các Samurai, Sumo, Yokai, Geisha, kịch Noh, cá chép, mèo thần tài, Kitsune… Bên cạnh đó, không gian triển lãm Phật giáo, show nhạc nước bên tôn tượng Bồ Tát Di Lặc và lễ dâng đăng diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần là những trải nghiệm du khách không nên bỏ lỡ khi đến với núi Bà Đen. Với rất nhiều trải nghiệm vui chơi độc lạ, núi Bà Đen Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn tại Nam Bộ trong dịp Tết Dương ngắn ngày năm nay. PV Chương trình Chào 2025 hoành tráng sẽ tổ chức tại chân núi Bà Đen vào ngày 31/12/2024. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==