Khoa học và Đời sống số 47-2024

Số 47 (4361) Thứ Năm (21/11/2024) 19 BẠN ĐỌC Thực đơn đám cưới độc lạ ở Yên Bái Mới đây, mạng xã hội xôn xao một thực đơn “độc lạ” trong đám cưới ở Yên Bái. Theo đó, tờ thực đơn được thiết kế tỉ mỉ với 14 món ăn, đồ uống như: Dượng mùi kiêm sả ớt, thủy quái tắm trong sương, ngưu đen dạo trong vườn, sơn nữ ném còn, kim ngưu vờn bến thủy, trái ngọt uyên ương, mặt trời êm dịu... Ngay sau khi được chia sẻ, thực đơn này đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Ai cũng tò mò đó thực chất là những món ăn gì, có hương vị ra sao... Theo tìm hiểu, đây là thực đơn trong đám cưới của cặp đôi Phạm Tuấn Thành và Đoàn Thanh Nga, cùng sinh năm 2003 ở Yên Bái. Đám cưới của cặp đôi tổ chức vào ngày 17/11 vừa qua, người nghĩ ra thực đơn đám cưới độc lạ này chính là mẹ của chú rể. Theo lời của Tuấn Thành, anh cùng mẹ họp bàn và chốt món ăn, đồ uống cho tiệc cưới. Mẹ anh đã dành 2 buổi tối để nghĩ ra tên gọi lạ lùng cho những món ăn. Sau đó, người mẹ tự đi in thực đơn đám cưới. Với danh sách thực đơn đặc biệt, Thành gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Anh kể, trong đám cưới, câu hỏi anh được nghe nhiều nhất là “món này là món gì?”. Anh phải tua đi tua lại nhiều lần tên gọi thật của 14 món ăn. Sau đó, chú rể đã giải nghĩa tên thật của 14 món ăn theo thứ tự như sau: khoai chiên, gà hấp lá chanh, tôm chiên, dê xào sả ớt, cá lăng om, trâu nướng tảng cuốn lá cải, giò bò hấp, canh măng mọc, cơm tẻ, xôi nếp, rượu, hoa quả, hạt hướng dương, nước lọc. Cách đây hơn 10 năm, trong đám cưới của người con trai cả, mẹ Thành cũng nghĩ ra thực đơn với những cái tên đặc biệt. Thành nói: “Nếu năm đó mạng xã hội phát triển như bây giờ thì có lẽ, thực đơn đám cưới của anh trai mình cũng gây chú ý”. Chú rể Tuấn Thành và cô dâu Thanh Nga có 8 năm quen nhau trước khi về chung một nhà. Cùng sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cặp đôi học chung trường từ cấp 2. Năm lớp 9, họ cảm mến nhau và mối quan hệ thân thiết hơn một chút. Hai bên gia đình chơi thân với nhau nên chuyện tình cảm của Tuấn Thành và Phương Nga được ủng hộ. Nhờ đó, họ có thêm sự tin tưởng để gắn bó với nhau lâu dài. Chú rể thừa nhận, 8 năm bên nhau họ cũng có những lúc mâu thuẫn, cãi vã nhưng nhờ có sự hàn gắn của hai bên gia đình, cặp đôi sẵn sàng “chuyện lớn hóa nhỏ” để đi đến hạnh phúc. Điều khiến Tuấn Thành yêu nhất ở Nga là sự đơn giản. Thanh Nga là cô gái giản dị, không quan tâm đến tiểu tiết, không yêu cầu đối phương phải làm quá nhiều thứ cho mình. Điều cô cần chỉ là sự chân thành và trách nhiệm. Khi tình cảm chín muồi, cặp đôi quyết định về chung một nhà để xây dựng tổ ấm riêng. Với sự gắn bó bền bỉ suốt nhiều năm, họ có niềm tin vào cuộc hôn nhân hạnh phúc. THIÊN ANH Chúng ta đã bao giờ tự hỏi: Tại sao dòng người lao động nhập cư đang dần rời xa các đô thị lớn? Điều này có ý nghĩa gì với tương lai của phát triển đô thị và chính sách quốc gia? Ba năm trước, giữa đại dịch COVID-19, hình ảnh dòng người vội vã rời TP HCM đã khiến tôi suy nghĩ về tương lai của những người lao động nhập cư. Trong tâm trí, tôi hiện lên một viễn cảnh mới, nơi mà sự trở về cố hương là một xu hướng tất yếu, phản ánh sự thay đổi không chỉ trong tâm thức của người lao động mà còn trong cách thức phát triển đô thị tại Việt Nam. Với thực trạng số lượng người nhập cư vào TP HCM giảm mạnh và “thủ phủ nhà trọ” nay thưa vắng người thuê, câu hỏi đặt ra là: Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi chiến lược phát triển, tạo ra sự cân bằng cho tất cả các vùng miền hay chưa? Thực tế, tình trạng di cư ngược từ thành phố về các tỉnh không chỉ xảy ra trong đại dịch mà còn tiếp tục diễn ra sau khi đất nước mở cửa trở lại. Theo báo cáo của chính quyền TP HCM, năm 2023, tỷ lệ người nhập cư vào thành phố đã giảm mạnh, chỉ tăng 0,67% – mức thấp chưa từng thấy, trong khi trước đây, mỗi năm có đến 200.000 - 250.000 người nhập cư mới. Thực trạng này phản ánh sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy di cư, một xu hướng quay trở về quê nhà khi thành phố đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu an sinh và cơ hội nghề nghiệp cho những người lao động phổ thông. Sự di cư ngược này đồng thời làm rõ thêm một vấn đề trong chiến lược phát triển đô thị tại Việt Nam: các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội trong nhiều năm đã “hớt váng” nhân lực từ khắp các tỉnh thành để duy trì nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng. Khi người dân khắp nơi đổ xô lên các thành phố lớn để làm việc trong các ngành sử dụng nhiều lao động, nguồn lực tại các vùng miền bị thu hẹp, gây ra tình trạng mất cân bằng phát triển. Cùng với đó, dân cư tập trung quá mức vào một số đô thị khiến hạ tầng thành phố quá tải, các dịch vụ công khó đáp ứng được nhu cầu đông đảo, và chênh lệch phát triển giữa các khu vực trở nên rõ rệt. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn khi các đô thị lớn ngày càng phình to và phải đối mặt với những thách thức về giao thông, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, trong khi các địa phương khác lại thiếu hụt nguồn lực để phát triển. Hiện tượng tập trung dân cư quá mức vào một vài đô thị lớn không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là bài học từ nhiều quốc gia khác. Các thành phố như Manila, Bangkok hay Buenos Aires là những minh chứng điển hình cho thấy sự phụ thuộc vào một số đô thị lớn có thể gây ra tình trạng quá tải, mất cân bằng phát triển và làm suy yếu tiềm năng của các khu vực khác. Manila, vùng đô thị lớn nhất của Philippines, hiện chiếm tới khoảng 1/3 tổng GDP quốc gia, tạo ra sự tập trung kinh tế và dân số quá lớn, gây ra áp lực lớn về hạ tầng và dịch vụ xã hội. Tại Thái Lan, Bangkok là trung tâm kinh tế chính, còn Buenos Aires là trung tâm kinh tế và dân cư đông đúc nhất của Argentina. Các đô thị này, khi thu hút toàn bộ nguồn lực quốc gia, khiến các khu vực còn lại không có đủ cơ hội phát triển và kéo giãn khoảng cách giữa trung tâm và vùng ven. Rõ ràng, việc phụ thuộc quá nhiều vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM không chỉ khiến các thành phố này quá tải mà còn là đánh cược vận mệnh quốc gia vào một số ít đô thị. Đã đến lúc chúng ta cần một tầm nhìn phát triển bền vững, trong đó mọi vùng miền đều có cơ hội phát triển và phát huy thế mạnh riêng. Phụ thuộc vào một vài đô thị lớn không thể là hướng đi lâu dài, mà thay vào đó, cần phải đầu tư xây dựng các “thủ phủ vùng” trên khắp cả nước để đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững. Trong những năm gần đây, các đô thị tỉnh lỵ như Vinh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang có sự phát triển vượt bậc, tạo nên những điểm đến mới với môi trường sống và làm việc đủ tốt, không kém các đô thị lớn. Đây là những nơi có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu sống của cư dân, từ cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống y tế, giáo dục cho đến các khu công nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Việc phát triển mạnh mẽ các đô thị tỉnh lỵ là minh chứng cho hướng đi đúng đắn, giúp người lao động cảm thấy an tâm với cuộc sống tại quê hương, nơi mà họ vừa có thể làm việc, vừa gần gũi gia đình. Thay vì tập trung vào một vài đô thị lớn, chiến lược phát triển đô thị bền vững nên hướng tới việc phát triển các “thủ phủ vùng” trên toàn quốc, tạo ra các trung tâm kinh tế - xã hội đa dạng, giúp cân bằng phát triển giữa các khu vực. Đầu tư vào các “thủ phủ vùng” này bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế và chính sách an sinh xã hội. Việc phát triển các “thủ phủ vùng” này không chỉ giúp người lao động có thể an cư lạc nghiệp tại quê hương mà còn giảm bớt áp lực di cư lên các đô thị lớn, tạo ra một dòng chảy lao động ổn định giữa các khu vực. Dòng chảy di cư ngược từ thành phố lớn về quê hương là lời cảnh tỉnh rõ ràng để chúng ta nhìn lại cách phát triển đô thị của mình. Một tầm nhìn phát triển quốc gia bền vững cần đặt mục tiêu cân bằng lên hàng đầu, nơi mà mọi người lao động đều có cơ hội sống và làm việc ngay tại quê hương, không phải chịu cảnh sống tạm bợ nơi đô thị xa lạ. Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm Lao động nhập cư… rời ph , về quê?

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==