Khoa học và Đời sống số 47-2024

Số 47 (4361) Thứ Năm (21/11/2024) 18 BẠN ĐỌC Lớp học “đặc biệt” giữa lòng hồ Thác Bà cho những người từng lầm lỡ Giữa mênh mông hồ Thác Bà, hằng ngày tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái vang lên tiếng đánh vần của những học viên trong một lớp học xóa mù chữ. Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái là đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái nằm biệt lập trên 2 hòn đảo lớn giữa lòng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình. Đây là nơi tiếp nhận, chữa trị, quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ và dạy nghề cho hàng nghìn lượt người nghiện ma túy. Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết: «Với đặc thù địa phương là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (trong hơn 800 học viên ở đây thì có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số). Ngay từ lúc tiếp nhận, sàng lọc, phân loại học viên, đơn vị phát hiện nhiều học viên không biết đọc, biết viết. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc tuyên truyền cũng như hướng dẫn công việc. Do đó, Ban Giám đốc cơ sở quyết định mở lớp xóa mù chữ cho học viên». Bác sĩ Lê Hồng Thủy, cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết, khi vào đây, người bệnh phải trải qua liệu trình cắt cơn 15 - 20 ngày. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình cai nghiện. Do trong giai đoạn cắt cơn, người bệnh luôn phải chịu những cơn vật vã, đau đớn nên các nhân viên thường xuyên theo dõi sát sao và ở bên cạnh động viên, chăm sóc. Kết thúc giai đoạn cắt cơn, học viên tiếp tục trải qua các quá trình điều trị khoa học kết hợp giữa dùng thuốc và chế độ ăn uống, vận động, nhờ đó sức khỏe sẽ nhanh chóng hồi phục. Học viên T.A.T (SN 1992, người dân tộc Mông, ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) được đưa vào cơ sở cai nghiện từ cuối năm 2023. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thào A Tu không được đi học, bạn bè rủ dùng ma túy thì dùng theo, mắc nghiện từ khi nào không hay. Được Ban quản lý cơ sở cai nghiện tạo điều kiện cho tham gia lớp xóa mù chữ, được dạy tiếng phổ thông, dạy các phép tính đơn giản, Thào A Tu rất phấn khởi, coi đây là cơ hội để sau này có thể làm lại cuộc đời. Anh T.A.T bộc bạch, hơn 30 tuổi nhưng không biết chữ nên làm gì cũng khó khăn, biển quảng cáo hay những pano tuyên truyền chính sách pháp luật cũng không đọc được. Đến cai nghiện tại đây, có lớp xóa mù chữ nên anh tham gia cùng nhiều học viên khác với hi vọng sẽ biết đọc, biết viết. Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện, trở về quê sẽ tìm được việc làm để làm lại cuộc đời. Trong lớp học xóa mù chữ này có 8 học viên là phụ nữ, họ đều là người dân tộc Mông, ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Giáo viên hướng dẫn nắn nót cách cầm phấn, viết những chữ cái lên tấm bảng nhỏ, rồi tập đọc, đánh vần. Trong khóa học, giáo viên sẽ dạy thêm cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Học viên G.T.M (30 tuổi, ở huyện Mù Cang Chải) “dính” vào ma túy từ nhiều năm nay. Giống như nhiều học viên khác, M. do không biết chữ, ở địa phương khó khăn, cuộc sống vất vả. Lớn lên, khi đi chơi theo bạn bè thì được rủ dùng thử ma túy, sau nhiều lần thì nghiện không bỏ được. Đầu năm 2024, chị được ngành chức năng địa phương đưa đến cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái. Đến cơ sở, ngoài việc được cán bộ cho điều trị cắt cơn, giải độc, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi; lao động, học nghề. Đặc biệt, Máy còn được tham gia lớp xóa mù chữ dành cho các học viên chưa từng được đi học. Dưới sự tận tình chỉ dạy của giáo viên, đến nay M. đã cơ bản biết đọc, biết viết. M. tâm sự: «Trước đây gia đình không có đủ điều kiện để được đi học, không có hiểu biết nên bản thân sa vào sử dụng ma túy. Khi vào cơ sở cai nghiện, mình được cán bộ dạy học chữ, biết viết, biết đọc, biết tính. Mỗi khi thăm gặp gia đình, mình cũng khoe với chồng con được học chữ nên cả gia đình rất phấn khởi”. Vừa hướng dẫn học viên đọc, chốc lát thầy giáo Nguyễn Hồng Phong - cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái (được phân công chủ nhiệm lớp học) dừng lại nhắc học viên đọc các chữ cái cho dứt khoát, không kéo dài ra. Thầy Phong chia sẻ, có những điều rất nhỏ nhưng nhắc cả chục lần, học viên vẫn quên. Vừa dạy chữ, anh vừa động viên tinh thần, giúp các học viên vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để học lấy cái chữ giúp ích cho bản thân mình. “Những bài học trong lớp học đặc biệt này đáng lẽ mọi người đã được học từ lúc lên 3, lên 5. Ấy vậy, ở đây có nhiều người trên đầu đã 2 thứ tóc vẫn đang đánh vần i tờ. Có lẽ cũng chính bởi sự ít học, thiếu hiểu biết họ mới dễ lầm đường lạc lối. Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã từng một thời lầm lỗi, vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti với chính mình» - thầy Phong cho hay. Nhìn chung sau những lớp học xóa mù chữ, 100% học viên biết đọc, biết viết, biết làm phép tính cộng, trừ đơn giản. Có người đã tái hòa nhập cộng đồng, có người vẫn đang hằng ngày miệt mài học tập, đánh vần với các con chữ. Chính từ nơi đây đã thắp sáng hy vọng, niềm tin cho những con người đã một thời lầm lỗi, trở về xã hội có được một tương lai tươi sáng hơn. VŨ LỆ (tổng hợp) Thầy Nguyễn Hồng Phong dạy chữ các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái. ẢNH: TUẤN ANH - TTXVN Lớp học tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái. ẢNH: TUẤN ANH - TTXVN Học viên người Mông tập viết. ẢNH: TUẤN ANH - TTXVN Điểm chung của những người này đa phần có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng đi học, thiếu hiểu biết nên mắc nghiện ma túy. ẢNH: TUẤN ANH - TTXVN Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái tập viết chữ. ẢNH: TUẤN ANH - TTXVN

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==