Khoa học và Đời sống số 31-2024

Số 31 (4345) Thứ Năm (1/8/2024) 4 NGHE & NHÌN Động đất ở Kon Tum diễn biến phức tạp HÀ CHÍNH – HOÀNG DŨNG - PHẠM HOÀNG Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, nguyên nhân gây ra động đất ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là do động đất kích thích. Cụ thể là do hồ chứa thủy điện nằm trong vùng. Việc tích nước của các hồ chứa này khả năng là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua. Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Ngày 31/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo ghi nhận 7 trận động đất tại huyện Kon Plông. Các trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 3.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Theo thống kê, tại huyện Kon Plông, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn ghi nhận ít nhất hơn 200 trận động đất, trong đó tháng 7 ghi nhận khoảng 80 trận. Ngày 30/7, tại khu vực này xảy ra 4 trận động đất có cường độ mạnh từ 2,5 - 3,1 độ richter. 2 ngày 28-29/7, nơi đây đã ghi nhận 46 trận động, trận mạnh nhất có độ lớn 5.0 richter, gây rung lắc tại nhiều tỉnh, thành của miền Trung - Tây Nguyên. Anh Trịnh Xuân Hùng, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chỉ vết nứt tường 2 vị trí, các vết nứt kéo dài khoảng 1m sau khi xảy ra động đất. Động đất liên tục cường độ mạnh đã khiến nhiều nhà dân, các điểm trường, trụ sở xã và nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện Kon Plông bị nứt nẻ. Thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) có khoảng 70 hộ dân sinh sống trên các rẻo núi cao. Nhiều nay năm, dù đã quen với động đất nhưng việc hàng chục trận động đất cường độ mạnh liên tiếp trong 1 ngày khiến bà con không khỏi hoang mang. Bà Quy (trú thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng) cho biết: “2 ngày vừa qua, người dân trong xã đều cảm nhận được sự rung lắc do động đất gây ra, nhất là ban đêm”. Nguy cơ sạt lở, lũ quét do động đất ở vùng tâm chấn. Ông Phạm Thanh Bình – Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông cho biết, theo cập nhật nhanh từ các xã, thị trấn trên địa bàn, các trận động đất không gây thiệt hại về người. Tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rơi tivi hư hỏng. Điểm trường THCS và Trạm Y tế xã Đăk Ring bị nứt vách tường. Còn tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non và phòng làm việc của Công an xã cũng nứt tường. Tại huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện, 3 công trình trong số đó có hồ chứa là Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re. Theo người dân sống ở thôn Vi Ring, nhiều năm trước, dân làng sinh sống gần khu vực sông Đăk Snghé, từ khi thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng, tất cả các gia đình được đưa đến khu tái định cư từ năm 2016 để nhường đất cho thủy điện. Thôn Vi Ring hiện giờ cách lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum khoảng 1,5km. Trước tình hình động đất có yếu tố phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, lên phương án chủ động ứng phó với động đất đảm bảo an toàn cho người dân. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cũng thông tin, cho biết: “Trước việc động đất liên tục xảy ra, huyện đang khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng để đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân và giải pháp ứng phó. Trước mắt, huyện đang phối hợp cùng cơ quan chuyên môn tuyên truyền người dân cách phòng tránh thiên tai, đặc biệt là sạt lở, động đất cho người dân. Các UBND xã xây dựng các phương án “4 tại chỗ”, tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng lúc bị sạt lở, cô lập…”.

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==