KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG SỐ ĐẶC BIỆT 21/6/2024

25 KỶ NIỆM Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam Số 25 (4339) Thứ Năm (20/6/2024) Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí nhận được văn bản phản hồi từ chối cung cấp thông tin với lý do nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích. Điều đáng nói, việc “dựng hàng rào kỹ thuật” bằng tôn chỉ, mục đích thường xảy ra khi đơn vị được đề nghị cung cấp thông tin liên quan tiêu cực, sai phạm. Ngoài ra, cơ quan báo chí cũng bị một số Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) nói “hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích”, khi đăng tải thông tin tiêu cực liên quan doanh nghiệp, cơ quan đơn vị tại địa phương. Trong khi đó, những tin bài tích cực không hoặc ít bị “gây khó dễ”. Hồi tháng 8/2023, báo giới không khỏi bất ngờ trước thông tin Sở TTTT của tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ có văn bản yêu cầu một tạp chí về lĩnh vực môi trường đến làm việc, giải quyết vấn đề liên quan hoạt động báo chí. Đáng nói, những bài viết đăng trên tạp chí mà sở này gửi kèm văn bản là về…. lĩnh vực môi trường. Theo tạp chí trên, những tin bài tích cực không bị “làm khó dễ”, nhưng phản ánh cái sai, tiêu cực của doanh nghiệp thì bị sở dùng “vòng kim cô” tôn chỉ, mục đích mời làm việc. Tạp chí này cho rằng, Sở TTTT gửi kèm văn bản 8 bài báo, nhưng đến làm việc còn 4 bài. Đây là những bài mà có người liên hệ với tạp chí để gỡ nhưng không được. Từ đó, tạp chí này đặt câu hỏi, đó có phải lý do bị “gây khó dễ” không? Dẫn chứng trên cho thấy tôn chỉ, mục đích không phải lúc nào cũng được hiểu, áp dụng đúng. Điều này ít nhiều cản trở hoạt động của báo chí. Vậy, hiểu thế nào cho đúng, áp dụng sao cho phù hợp tôn chỉ, mục đích? Luật sư Lê Cao, Luật sư Điều hành của Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng: Tôn chỉ, mục đích đang bị hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ Là luật sư, tôi thường xuyên tiếp xúc, tương tác với báo chí. Thời gian qua, không ít lần tôi nghe phóng viên, nhà báo nói về việc bị gây khó dễ trong quá trình tác nghiệp, bằng cái gọi là “tôn chỉ, mục đích”. Thực tế cho thấy, khá nhiều cơ quan, đơn vị đang hiểu sai, chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ về tôn chỉ, mục đích báo chí. Hiểu nôm na, tôn chỉ, mục đích là kim chỉ nam, phương hướng, định hướng hoạt động, có thể là một lý tưởng để thực hiện nghề nghiệp cho báo của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa họ chỉ được đăng tải thông tin xung quanh “kim chỉ nam”, hay không có nghĩa báo thuộc tổ chức Đoàn chỉ đăng bài về công tác Đoàn, báo của cơ quan thanh niên, phụ nữ chỉ tuyên truyền về thanh niên, phụ nữ. Cũng không thể buộc cơ quan báo chí về môi trường chỉ đăng tải về thông tin môi trường, báo pháp luật chỉ đề cập pháp luật mà không được đăng tải nội dung kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… Luật hiện hành không quy định báo chí chỉ được đưa tin về nội dung thuộc danh mục tôn chỉ, mục đích đăng ký. Luật không cấm báo này hay báo kia không được đưa tin này hay tin kia, trừ thông tin thuộc dạng bí mật hay xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật. Tin tức báo chí nói chung không được phân định theo kiểu loại này hay loại kia, phải đăng ký mới được đưa tin. Hoạt động báo chí chịu sự điều chỉnh bởi Luật Báo chí. Luật Báo chí năm 2016 quy định 4 trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng không có trường hợp nào liên quan tôn chỉ, mục đích. Quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ bị hạn chế nếu cản trở quyền đó không đúng luật. Việc tác nghiệp báo chí cũng sẽ bị cản trở nếu không cung cấp thông tin trong trường hợp pháp luật hoàn toàn cho phép và theo luật buộc phải thông tin cho báo chí. Theo tôi được biết, tôn chỉ, mục đích thường được vin vào để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí kể từ khi có Công văn 2595 ngày 14/7/2020 của Bộ TTTT. Tuy nhiên, tinh thần chung của công văn này có vẻ đang bị hiểu sai. Bởi lẽ, Công văn 2595 lưu ý về tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, thậm chí tống tiền doanh nghiệp; chứ không phải văn bản “hướng dẫn” từ chối cung cấp thông tin nếu không đúng tôn chỉ, mục đích. Ở góc độ pháp lý, Công văn 2595 không phải văn quy phạm pháp luật, nên không thể dựa vào đó mà làm trái so với các quy định đã được nêu rõ tại Luật Báo chí năm 2016. Không thể sử dụng văn bản mang tính trao đổi nghiệp vụ như một bảo bối để từ chối thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Tôi cho rằng, dựa vào tôn chỉ, mục đích để từ chối cung cấp thông tin là dấu hiệu của sự cản trở tác nghiệp báo chí. Điều này là vi hiến, gián tiếp hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Luật Tiếp cận Thông tin. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân nên cởi mở, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc cung cấp thông tin khi được yêu cầu. Nó thể hiện sự chủ động, không bị động trước yêu cầu của báo chí hoặc công dân. Vì nếu hoạt động đúng pháp luật, không làm sai, không việc gì phải ngại khi báo chí đề nghị cung cấp thông tin cả. Còn trường hợp bị quấy rầy, nhũng nhiễu, “làm tiền” trái pháp luật, tổ chức, đơn vị yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý theo quy định pháp luật. Đại diện một Sở TTTT: Cẩn trọng khi tham mưu cơ quan, đơn vị phản hồi báo chí Thời gian qua, chúng tôi nhận không ít văn bản của cơ quan, đơn vị, hoặc được UBND tỉnh giao hướng dẫn, tham mưu cho cơ quan, đơn vị trong việc phản hồi, cung cấp thông tin cho báo chí. Tất nhiên là trên tinh thần cởi mở nhất. Không có ý phân biệt giữa báo và tạp chí nhưng vấn đề tôn chỉ, mục đích được chúng tôi quan tâm nhiều hơn, bởi lẽ tạp chí sản xuất thông tin theo dạng chuyên đề, chuyên sâu. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí được được thể hiện rõ trong giấy phép hoạt động báo chí, chứ không đơn thuần dựa vào tên gọi hay cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí đó. Trong trường hợp cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích khác xa với nội dung yêu cầu cung cấp thông tin, chúng tôi cũng cẩn trọng, tham mưu cho cơ quan, đơn vị cân nhắc kỹ việc cung cấp hay không cung cấp thông tin. Tinh thần chung là sẽ cởi mở, cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để quấy rầy, nhũng nhiễu, chúng tôi sẽ có hành động phù hợp với quy định của pháp luật. LUẬT SƯ LÊ CAO: Câu chuyện tôn chỉ, mục đích... AN KHÁNH Vấn đề này đã và đang trở thành “điểm nóng” khi nhiều cơ quan, tổ chức hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về việc cung cấp thông tin, phối hợp làm việc với các cơ quan báo chí. Khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí năm 2016 quy định về từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: a) Thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. b) Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra, chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan Nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố. d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố. Luật sư Điều hành của Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng. NHÀ QUẢN TRỊ - NHÀ KHOA HỌC - NHÀ BÁO

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==