Khoa học và Đời sống số 24-2024

Số 24 (4338) Thứ Năm (13/6/2024) 18 BẠN ĐỌC HÀ NỘI: Bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, gây ô nhiễm QUANG TH NH Người dân phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh về bãi vật liệu xây dựng không phép, gây ô nhiễm môi trường, chưa được chính quyền xử lý dứt điểm. Theo phản ánh của người dân tới Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, khu vực giáp nghĩa trang Hà Trì xuất hiện bãi tập kết vật liệu xây dựng. Một số người sống quanh đây cho biết, bãi tập kết không chỉ ngang nhiên hoạt động không phép, mà còn không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, bãi tập kết vật liệu xây dựng có diện tích lên tới hàng trăm m2, xung quanh được quây tôn tạm bợ, kín kẽ, bên trong tập kết nhiều loại vật liệu xây dựng như cát, sỏi... Không chỉ vậy, cổng ra vào được tận dụng tập kết vật liệu xây dựng. Những đống gạch cao không che chắn, xếp thành dãy dài, lấn chiếm vỉa hè vốn dành cho người đi bộ. Lòng đường trở thành nơi tập kết cát, sỏi, máy xúc, khiến cảnh quan tuyến phố trở nên nhếch nhác. Nghiêm trọng hơn, mặt đường lổn nhổn cát sỏi vương vãi, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Văn Sáng sinh sống tại khu vực trên, bức xúc nói: “Bãi tập kết vật liệu xây dựng này tồn tại nhiều năm qua. Hàng ngày, nhiều lượt xe ra vào chở vật liệu xây dựng phục vụ công trình xây dựng trong khu vực. Người dân tại đây bị ảnh hưởng, ngày nắng khói bụi mù mịt, mưa thì con đường chuyển sang màu đỏ, trơn, trượt”. Theo chị Vũ Thị Lụa, người dân nhiều lần phản ánh với UBND phường Hà Cầu, đề nghị dẹp bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm, để tình trạng này kéo dài nhiều năm. Cần xử lý dứt điểm bãi vật liệu xây dựng không phép Theo tìm hiểu, khu đất “mọc” lên bãi tập kết vật liệu xây dựng do Hợp tác xã Hà Trì quản lý. Phóng viên nhiều lần đến trụ sở Hợp tác xã Hà Trì liên hệ làm việc nhưng nơi đây “cửa đóng then cài”. Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Bá Hoài - Phó Chủ tịch UBND phường Hà Cầu - thông tin, theo địa chính báo cáo, khu đất này của Hợp tác xã Hà Trì, nguồn gốc vẫn là đất nông nghiệp. UBND phường đã kiểm tra, nhắc nhở. Thời gian tới, phường sẽ thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trước câu hỏi về trách nhiệm của UBND phường Hà Cầu trong công tác quản lý, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Cầu nói: “Thực ra, hợp tác xã đó cũng không hoạt động như hợp tác xã khác, nên phường gần như cũng không làm việc với hợp tác xã”. Thành phố Hà Nội đã phát động phong trào thi đua tại các địa phương trong việc xây dựng đô thị văn minh, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Để xây dựng đô thị “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Hà Đông cần vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phường Hà Cầu. Bãi tập kết vật liệu xây dựng tại phường Hà Cầu. Vật liệu xây dựng tràn ra lòng đường, vỉa hè. Trụ sở Hợp tác xã Hà Trì có dấu hiệu xuống cấp,“cửa đóng then cài” từ lâu. Vì sao không thể xóa dứt điểm những bãi rác tự phát? Mấy tháng trước, khi báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm mất mỹ quan đô thị, những bãi rác thải sinh hoạt tự phát trên Đường số 2 (phía trước Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, thuộc địa bàn phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP HCM) được thu dọn sạch sẽ. Nhiều người dân sinh sống trong khu vực, cũng như những ai thường xuyên qua lại trên con đường này, đều mừng thầm vì “điểm đen” rác thải tự phát được xóa sổ. Mùi xú uế, ô nhiễm không còn nữa. Tuy nhiên, chỉ được khoảng thời gian ngắn phong quang, sạch sẽ, mọi thứ trở lại như cũ trong những ngày đầu tháng 6/2024. Rác thải tự phát lại xuất hiện tràn lan 2 bên lề đường, khiến ai trông thấy cũng không khỏi ngao ngán lắc đầu. Điều đáng nói, tại những bãi rác thải tự phát, không hề thấy sự xuất hiện của các tấm biển “cấm đổ rác”. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng đây là khu vực được phép đổ rác thải. Các bãi rác tự phát đầy lên hàng ngày, ngập ngụa, tràn cả lề đường, vỉa hè. Từ thực trạng như đã nêu, để xoá sổ dứt điểm những bãi rác thải tự phát, trả lại hình ảnh mỹ quan và môi trường sạch sẽ, chính quyền phường cần quyết tâm và có “biện pháp mạnh” trong việc ngăn ngừa, xử phạt trường hợp thiếu ý thức, cố tình vi phạm vứt, đổ rác không đúng nơi quy định. ĐẶNG ĐỨC Các bãi rác tự phát được dọn dẹp sạch sẽ sau khi báo chí phản ánh, nhưng sau thời gian ngắn, mọi thứ trở lại như cũ. Rác vẫn chất đống bên đường, mùi hôi thối bốc lên giữa nắng hè khiến nhiều người có cảm giác nghẹt thở mỗi khi qua khu vực này. Ảnh chụp ngày 10/6/2024, rất nhiều bãi rác thải tự phát tái xuất hiện trở lại tràn lan bên lề đường, tạo hình ảnh nhếch nhác, gây nhiễm môi trường. Cảnh báo tình trạng trẻ đuối nước trong khuôn viên gia đình Một số vụ việc đau lòng xảy ra khi trẻ bị đuối nước trong ao, hồ, bể cá cảnh, giếng nước… Không ít vụ các bé tử vong trong vật dụng chứa nước sinh hoạt bình thường hàng ngày như xô, chậu. Nguyên nhân dẫn tới những vụ trẻ đuối nước trong khuôn viên gia đình như vậy là cha mẹ, người lớn bất cẩn. Ao, hồ, bể cá cảnh, giếng nước… không được rào kín, che chắn cẩn thận. Các bé chơi quanh những khu vực này rất dễ bị ngã và đuối nước. Có trường hợp bé dưới 3 tuổi ngã vào xô, chậu chứa nước, dẫn tới bị ngạt, tử vong thương tâm. Thực tế cho thấy, khuôn viên các gia đình ở vùng quê thường có ao phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, họ đào giếng khơi, xây bể chứa nước mưa để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, ở khu vực thị trấn, thị tứ hay thành phố, nhiều gia đình khá giả có biệt thự sân vườn, thiết kế hồ, bể cá, bể cảnh non bộ. Nếu trong nhà có trẻ em từ 3 đến dưới 10 tuổi (thậm chí trẻ lớn hơn nữa nhưng không biết bơi), điều không mong muốn có thể xảy ra, nếu không có sự quan tâm của người lớn. Từ thực trạng trên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cũng như hạn chế những vụ đuối nước đáng tiếc, ngoài trông coi, canh chừng trẻ cẩn thận, các gia đình phải có biện pháp che đậy, rào chắn chắc chắn, an toàn. Với những khu vực sử dụng lấy nước sinh hoạt hàng ngày là sân giếng, bể nước, vòi nước máy…, không nên dùng xô, chậu lớn chứa nước. Nếu sử dụng xô, chậu xong thì phải đổ nước để phòng tránh trẻ nhỏ ngã vào và bị ngạt nước. THẠCH BÍCH NGỌC (ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HCM) Ảnh minh họa.

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==