Khoa học và Đời sống số 22-2024

Số 22 (4336) Thứ Năm (30/5/2024) 20 DOANH NGHIỆP - HỘI NHẬP THÔNG TIN DOANH NGHIỆP Lãi 600 triệu/ngày, Interfood chia cổ tức thế nào? THẢO NHI Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Interfood) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 với lợi nhuận ròng đạt 50 tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu đồng/ngày. Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (UPCoM: IFS) có khởi đầu rất ấn tượng cho năm 2024, khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 447 tỷ đồng trong quý I, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 83% nguồn thu của Interfood đến từ các sản phẩm nước giải khát nổi tiếng như trà bí đao, nước me, nước yến, trà sữa... Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động. Mặt khác, chi phí tài chính chỉ chiếm một khoản không đáng kể do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá. Sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Interfood ghi nhận lãi ròng 50 tỷ đồng, tăng mạnh 69% so với cùng kỳ. Chia sẻ về kết quả khả quan này, ban lãnh đạo Interfood cho biết, doanh thu công ty đi lên nhờ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng dịp đầu năm, tập trung những dòng sản phẩm chủ chốt và sản phẩm chiến lược. Một số nguyên liệu đầu vào chủ chốt cũng giảm giá, giúp củng cố biên lãi gộp. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính thu hẹp 61% xuống 4 tỷ đồng do lãi suất tiền gửi giảm theo mặt bằng chung. Trong năm 2024, Interfood đề ra mục tiêu doanh thu thuần lập kỷ lục với 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với mức kỷ lục năm trước là 1.868 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp sản xuất đồ uống này vẫn khá thận trọng khi giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế 8%, xuống 192 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I năm 2024, Interfood đã hoàn thành hơn 22% mục tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận ròng. Interfood có kế hoạch dùng toàn bộ 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến ngày 31/12/2024 để chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 24%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 2.400 đồng. Sở hữu gần 95% cổ phần công ty, cổ đông nước ngoài là Kirin Holding Singapore Pte. Ltd. sẽ nhận khoảng 200 tỷ đồng tiền cổ tức. Được biết, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế là doanh nghiệp FDI, thành lập từ cuối năm 1991 với lĩnh vực hoạt động chính là chế biến nông sản, thuỷ sản thành những sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu. Tới năm 2005, Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery, thuê thương hiệu Wonderfarm cho những sản phẩm của công ty. Thương hiệu trà bí đao Wonderfarm từ đây nhanh chóng “phất lên”, đem về thị phần lớn cho công ty. Tuy nhiên, năm 2008, Interfood gặp biến cố lớn khi một số sản phẩm bánh của công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức cho phép. Cũng trong năm này, công ty báo lỗ 267 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Thời điểm cuối năm 2010, nợ phải trả của IFS lên đến hơn 600 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản. Bước ngoặt năm 2011 khi cổ đông lớn Malaysia quyết định tháo chạy khỏi Interfood. Thay vào đó, tập đoàn Kirin của Nhật Bản tham gia “giải cứu” thông qua việc mua lại 57% vốn công ty. Kirin sau đó đã có rất nhiều biện pháp cải thiện cơ cấu nợ của IFS, đồng thời phát triển nghiên cứu những sản phẩm, thị trường tiêu thụ mới cho công ty. Kết quả, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016. Cùng năm này, cổ phiếu Interfood trở lại sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vào 2013. Đến hiện tại, thị giá IFS vẫn duy trì xu hướng tăng bền vững, hiện đạt 31.600 đồng/cp. SHB chiến thắng 03 giải thưởng quan trọng tại FinanceAsia Awards 2024 Trong khuôn khổ giải thưởng FinanceAsia Awards 2024, SHB chiến thắng 3 hạng mục giải thưởng quan trọng, được đánh giá dựa trên những tác động tích cực dành cho khách hàng, xã hội và người lao động. Giải thưởng khẳng định hướng đi đúng đắn của ngân hàng trong việc phát triển bền vững, xác định con người là chủ thể và trách nhiệm cộng đồng. FinanceAsia Awards là một trong những giải thưởng danh giá bậc nhất trong lĩnh vực tài chính, được tổ chức thường niên bởi Tạp chí FinanceAsia với Hội đồng giám khảo là các chuyên gia tài chính hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2024, SHB được vinh danh tại 3 hạng mục giải thưởng: “Ngân hàng có tác động ESG tích cực nhất Việt Nam” (Biggest ESG Impact - Banks in Vietnam); “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” (Best Commercial Bank – SME in Vietnam) và “Ngân hàng có môi trường làm việc Đa dạng, Công bằng & Hòa nhập (DEI) nhất Việt Nam” (Most DEI Progressive – Banks in Vietnam). Ba giải thưởng từ Tạp chí FinanceAsia là minh chứng cho những kết quả trên hành trình chuyển đổi của SHB. Sau bước dậm đà của năm trước, Ngân hàng đang tập trung nguồn lực để triển khai Chiến lược Chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện dựa trên 4 trụ cột: Cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình; Con người là chủ thể; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số và kiên định theo 6 giá trị văn hóa cốt lõi “Tâm – Tin – Tín –Tri – Trí – Tầm”. SHB đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng TOP 1 về hiệu quả; Ngân hàng Số được yêu thích nhất; Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất đồng thời là Ngân hàng TOP đầu cung ứng nguồn vốn, sản phẩm, dịch vụ tài chính tới khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái, phát triển xanh. Ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết và thực thi mạnh mẽ các chính sách thúc đẩy tín dụng xanh, đẩy mạnh tài trợ vốn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp, đặc biệt là đầu tư các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho các vùng trọng điểm trên cả nước. Với nền tảng vững vàng qua ba thập kỷ, cùng chiều sâu văn hóa doanh nghiệp, SHB luôn kiên định với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, đồng thời kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với xã hội và đất nước. Hiện nay, SHB đã và đang là đối tác tin cậy của nhiều định chế tài chính như WB, IFC, ADB… hướng dòng tín dụng đến các dự án năng lượng, các dự án đáp ứng các yếu tố “xanh”, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ… tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Dư nợ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp SME, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp xanh, tăng mạnh trong năm 2023, cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng chung của ngân hàng. Cùng với việc ban hành và hoàn thiện chính sách sản phẩm, SHB cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp SME như kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng hành cùng nhóm doanh nghiệp này trong các hoạt động tư vấn, đào tạo, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tối ưu nguồn vốn và quản trị rủi ro… Đồng thời, SHB đã ký hợp đồng hợp tác tín dụng với IFC trị giá 120 triệu USD nhằm phát triển danh mục cho vay SME, trong đó ưu tiên các các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. SHB cam kết dành riêng tối thiểu 37,5% giá trị khoản vay để cho vay các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, và ngân hàng sẽ nhận được khoản tài trợ 226.000 USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ Tạo Cơ hội cho Nữ doanh nhân (WEOF) - các sáng kiến tài trợ toàn cầu với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân. Cùng với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu tài chính mang đến sự tiện lợi, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền của khách hàng, SHB đang tạo nên những dấu ấn rõ nét trên thị trường và được ghi nhận xứng đáng với các giải thưởng liên quan Ngân hàng có tác động ESG tích cực nhất Việt Nam và Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam nhiều năm liền. Giải thưởng “Ngân hàng có môi trường làm việc Đa dạng, Công bằng & Hòa nhập (DEI) nhất Việt Nam” từ FinanceAsia là ghi nhận cho sự phát triển tổng hòa các yếu tố về con người, môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp – điều mà SHB đã và đang tạo dựng và lan tỏa. P.V

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==