Khoa học và Đời sống số 22-2024

Số 22 (4336) Thứ Năm (30/5/2024) 15 THÂM CUNG BÍ SỬ TRI THỨC NHÂN LOẠI QUIZZ TEST SỐ 22 Cuộc khởi nghĩa “Nam binh phục quốc” do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến phát động năm 1917 diễn ra ở đâu? A: Thái Nguyên B: Hà Nội C: Bắc Ninh Đáp án đúng Quizz test số trước: C: Nghệ An Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2022, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam là Nghệ An với diện tích 16.490,25 km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước. Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có đường biên giới giáp với Lào và phía đông giáp biển Đông. Kết thúc năm 2023, Nghệ An đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 25/28 chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,14% (đứng thứ 26/63 tỉnh, thành, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ). Quy mô GRDP đạt trên 193.000 tỷ đồng (đứng thứ 10 cả nước). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51%. Thu ngân sách ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, đạt 112,07% dự toán. Môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An có sự cải thiện tích cực, tác động lớn đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Năm 2024, Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP từ 9 – 10%; thu ngân sách nhà nước 15.903 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62 – 63 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa 33%… 3 nhà thờ có kiến trúc đặc biệt ở Việt Nam QUỐC LÊ Nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình, Nhà thờ Du sinh ở TP Đà Lạt, Nhà thờ Ba Chuông ở TP HCM là những nhà thờ nức tiếng gần xa nhờ lối kiến trúc vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Trái với kiến trúc đậm nét phương Tây thường gặp ở các nhà thờ Công giáo, những nhà thờ này mang nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhà thờ đá Phát Diệm Được xây dựng từ năm 1875-1898, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) là quần thể kiến trúc gồm một nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ cùng nhiều công trình khác trên khuôn viên 22 ha, được xem là nhà thờ cổ có quy mô lớn, đẹp và độc đáo bậc nhất Việt Nam. Nét đặc sắc của nhà thờ Phát Diệm là phong cách kiến trúc mô phỏng đình chùa Việt cùng chất liệu xây dựng chủ yếu là đá. Công trình đầu tiên trong khuôn viên nhà thờ là tòa Phương Đình, cao 25 m, rộng 17 m, dài 24 m, gồm 3 tầng được xây dựng bằng đá phiến. Phía sau tòa Phương Đình là nhà thờ lớn. Công trình này dài 74 m, rộng 21 m, cao 15 m, có 4 mái và 5 lối vào dưới các vòm đá. Mỗi mặt bên của nhà thờ lớn lại có 2 nhà thờ nhỏ nằm liền kề. Đặc biệt, phía sau khuôn viên có một nhà thờ làm hoàn toàn bằng đá. Nhìn cận cảnh, mái của nhà thờ lớn và phương đình đều không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ Công giáo phương Tây truyền thống mà là dạng mái cong thấp có đầu đao như mái đình, chùa của người Việt. Nhà thờ Du Sinh Nằm trên ngọn đồi ở phía Nam thành phố Đà Lạt, nhà thờ Du Sinh được linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng cho xây dựng năm 1955. Vốn là con cháu dòng tộc Nguyễn và từng tu học Phật giáo, linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng đã thiết kế nhà thờ theo lối kiến trúc Á Đông. Bên cạnh những tầng mái ngói với đầu đao gợi nhớ hình ảnh các ngôi chùa Việt, nét độc đáo trong kiến trúc của nhà thờ Du Sinh còn thể hiện qua các hàng cột được tạo hình như những thân cây tre, cây trúc - là hình tượng quen thuộc trong tiềm thức người Việt. Đây là nhà thờ hiếm hoi ở Việt Nam có bài trí hình tượng rồng Việt truyền thống, với hai lan can hình rồng chạy dọc theo các bậc cấp từ chân đồi lên thánh đường. Cổng nhà thờ mang dáng dấp một cổng tam quan truyền thống của đền chùa Việt. Với cảnh quan đẹp và kiến trúc đặc sắc, nhà thờ Du Sinh là một địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan ở thành phố Đà Lạt. Nhà thờ Ba Chuông Tọa lạc tại số 190 đường Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận, TP HCM, nhà thờ Ba Chuông được xây dựng năm 1962, kiến trúc ban đầu có mặt tiền hình quả chuông úp, tháp chuông có ba quả chuông. Từ năm 2003-2005, nhà thờ được xây mới hoàn toàn. Nhà thờ Ba Chuông mới mang phong cách kiến trúc Á Đông và đậm nét văn hóa Việt. Theo đồ án thiết kế, thánh đường có hình vuông tượng trưng cho đất, khung mái hình tròn tượng trưng cho trời. Tháp chuông nhà thờ hình trụ vuông gồm ba tầng mái với kiểu dáng mái cong truyền thống, được cách điệu và hiện đại hóa, bên trong có ba quả chuông. Mỗi góc mái là một đầu đao hình đầu rồng, diễn tả ý muốn vươn cao hơn giữa trời đất. Hai bên lối vào thánh đường có đặt tượng các linh vật mang bản sắc việt, gồm một cặp rồng và một cặp nghê. Các tác phẩm này được chế tác bằng đá rất tinh xảo. Nhà thờ Phát Diệm được coi là nhà thờ cổ có quy mô lớn, đẹp và độc đáo bậc nhất Việt Nam. Nhà thờ Du Sinh được linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng cho xây dựng từ năm 1955. Cuộc sống hoàng gia châu Âu thời Trung cổ Vào thời Trung cổ, nhiều quốc gia ở châu Âu theo chế độ quân chủ. Theo đó, đứng đầu đất nước là nhà vua nắm trong tay quyền lực tối thượng. Ngoài nhà vua, cuộc sống của hoàng hậu và các thành viên hoàng gia cũng trở thành chủ đề khiến nhiều người tò mò. Trong số này, nhà vua và hoàng hậu là những người đứng đầu đất nước và có sức ảnh hưởng lớn. Khi xem nhiều bộ phim về thời kỳ này, đa số mọi người cứ ngỡ họ có cuộc sống xa hoa, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Thế nhưng, trên thực tế, nhà vua và hoàng hậu thường không có chuyện tình đẹp như cổ tích. Cuộc hôn nhân của họ mang đậm màu chính trị khi được người thân sắp xếp hôn sự để củng cố địa vị, quyền lực. Ngay cả sau khi kết hôn, nhà vua và hoàng hậu cũng không có thời gian riêng tư bên nhau. Do là chủ nhân của cung điện, người đứng đầu đất nước và hoàng tộc nên nhà vua và hoàng hậu luôn có người hầu đi theo. Những người này đi theo hầu hạ nhà vua, hoàng hậu để đảm bảo sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của chủ nhân. Tuy nhiên, điều này đôi lúc khiến nhà vua và hoàng hậu không thoải mái vì luôn có người “giám sát” nhất cử nhất động. Ngay cả khi nhà vua và hoàng hậu đi ngủ, họ cũng không bao giờ đóng cửa phòng vì những người hầu luôn túc trực ở bên ngoài, ghi chép tỉ mỉ về các sinh hoạt hàng ngày của chủ nhân. Sau khi mang thai con của vua, hoàng hậu phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, Trong số này, vào thời kỳ Tudors, hoàng hậu bị “nhốt” trong phòng ngủ một thời gian dài trước khi sinh cho đến khi công chúa hay hoàng tử chào đời. Trong khoảng thời gian đó, các cửa sổ trong phòng đều được đóng kín, buông rèm. Không một người đàn ông nào có thể vào căn phòng của hoàng hậu cho đến khi em bé hoàng gia chào đời. Vua và các thành viên hoàng tộc ở châu Âu thời Trung cổ không ở cố định tại một cung điện. Họ sở hữu nhiều cung điện, lâu đài nguy nga tráng lệ nên thường “đổi nhà” theo sở thích hoặc vì lý do an ninh. Vào thời Trung cổ, hoàng hậu và những phụ nữ thuộc hoàng tộc thường làm tóc cầu kỳ. Họ búi cao tóc, tô điểm bằng hoa và trang sức quý giá. Việc làm tóc tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc không chỉ để làm đẹp mà còn nhằm thể hiện địa vị, quyền lực. Đôi khi, kiểu tóc của họ còn bày tỏ quan điểm cá nhân trước những sự kiện nhất định mà các chuẩn mực xã hội không cho phép họ công khai nói ra. Trong số này, hoàng hậu Pháp Marie Antoinette từng để một kiểu tóc đặc biệt nhân dịp chồng - Vua Louis XVI tiêm phòng bệnh đậu mùa. Vào thời điểm đó, tiêm chủng được coi là một điều nguy hiểm nên nhiều người dân sợ hãi không dám đi tiêm. Với việc sáng tạo ra kiểu tóc “độc đáo” nhằm tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng bệnh đậu mùa, kiểu tóc này càng trở nên phổ biến và người dân sẵn sàng tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa. TÂM ANH (TH) Cuộc sống sinh hoạt của hoàng gia châu Âu thời Trung cổ thu hút sự tò mò của công chúng. Trong đó, những bí mật về đời sống hàng ngày của nhà vua và hoàng hậu khác xa phim ảnh. Ảnh minh hoạ

RkJQdWJsaXNoZXIy MTYzNTY5OA==